Không thể mãi nhập nhèm khái niệm sữa

Lan Trần| 15/04/2016 06:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người tiêu dùng Việt đang lạc vào “ma trận” khi lựa chọn sữa dạng lỏng, từ sữa tươi, sữa tươi tiệt trùng đến sữa tiệt trùng... với các khái niệm không rõ ràng dẫn đến một sự nhập nhèm.

Sửa đổi QCVN 5-1: 2010/BYT để tránh nhầm lẫn

Một thực tế không thể phủ nhận là trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng Việt đang phải bỏ tiền ra mua sữa bột hoàn nguyên mà cứ ngỡ là sữa tươi. Điều đó là do có sự không rõ ràng về khái niệm sữa tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng trong cùng một dòng sản phẩm sữa dạng lỏng.

Sữa dạng lỏng trên thị trường đang được áp dụng theo QCVN 5-1: 2010/BYT. Bên cạnh đó có các tiêu chuẩn tham chiếu là Codex Stan, TCVN 11216-2015 của Bộ Khoa học- Công nghệ. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia QCVN 5-1:2010/BYT cần phải có sự thay đổi khi trên thị trường hiện nay đã có 30% sữa nước chế biến từ sữa tươi và 70% là sữa bột pha lại. Việc thay đổi này cũng đúng với với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam là 5 năm soát xét, sửa đổi 1 lần.

Không thể mãi nhập nhèm khái niệm sữa

Người tiêu dùng Việt bị lạc mà ma trận sữa dạng lỏng

Tại Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức hôm 13/4, phần lớn đại biểu đều thừa nhận tên gọi “Sữa tiệt trùng” của QCVN 5-1: 2010/BYT là “gây nhầm lẫn giữa sữa bột và sữa tươi”. Xét về bản chất, sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại, do đó việc thay đổi QCVN 5-1:2010/BYT là cần thiết.

Trình bày tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hằng, Chuyên viên Cục An toàn thực phẩm giải thích sữa hoàn nguyên, sữa pha lại để chỉ các sản phẩm chế biến từ sữa bột; sữa hỗn hợp để chỉ các sản phẩm có pha giữa sữa bột và sữa tươi. Còn về khái niệm sữa tươi, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng xin ý kiến các doanh nghiệp tham dự về việc phân loại 2 loại sữa tươi ra thành sữa tươi nguyên chất (100% sữa tươi) và sữa tươi có bổ sung (có từ 90% sữa tươi, bổ sung thêm đường, dịch quả…). Đa số các đại biểu tham dự nhất trí với cách phân loại này.

Theo dự thảo sửa đổi, sữa dạng lỏng tới đây sẽ có những tên gọi sau: Sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Như vậy, “Sữa tiệt trùng” trong QCVN 5-1:2010/BYT sẽ được chia rõ thành 3 tên gọi : Sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Các khái niệm sẽ giải thích rõ ràng hơn nguyên liệu sản xuất sữa dạng lỏng để người tiêu dùng lựa chọn, phù hợp với thông lệ quốc tế (Codex Stan) và Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11216:2015.

Không thể mãi nhập nhèm

Theo ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, trong năm 2015 ngành sữa tại Việt Nam đã có tổng doanh thu lên đến 92.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD). Nếu so với tổng doanh thu năm 2014 là 75.000 tỷ đồng thì năm 2015 đã đạt mức tăng trưởng là 23%. Trong phân bố doanh thu của năm 2015, sữa bột chiếm 45% tổng doanh thu, sữa nước chiếm 30%, còn lại là các sản phẩm khác. 

Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành sữa cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng về mặt hàng này đang ngày một tăng lên nhanh chóng. Nhu cầu tiêu thụ về sữa được dự báo tăng trưởng 9%/năm, đạt mức 27-28 lít sữa/người/năm vào năm 2020. Tuy nhiên khái niệm không rõ ràng của QCVN 5-1:2010/BYT về sữa tiệt trùng đã khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi lớn về quyền của mình, dù pháp luật đã quy định rõ về quyền của người tiêu dùng. Theo đó: “người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa” và “người tiêu dùng có quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ”.

Không chỉ là sự thiệt thòi cho người tiêu dùng mà ngay chính nhà sản xuất cũng thấy cần phải có một sự minh bạch trong tên gọi của sản phẩm. Như phát biểu của bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH: “Chúng ta không thể nhập nhèm mãi khái niệm sữa được nữa, mà phải gọi đúng tên gọi, sữa tươi nguyên chất là sữa tươi 100%, còn sữa tươi có bổ sung các chất gì thì phải ghi rõ là sữa tươi có bổ sung các loại chất gì, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sữa tươi tối thiểu trong sản phẩm từ 95% trở lên”. Theo bà Thái Hương, cần phải có một lộ trình áp dụng cụ thể theo các tiêu chuẩn Codex để người dân hiểu thế nào là sữa tươi và cần phải giữ lại khái niệm này.

Ủng hộ quan điểm này, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng dứt khoát phải nói rõ sữa tươi là sữa tươi, sữa hoàn nguyên, pha lại thì cũng phải nói rõ ràng như thế.

Một sự minh bạch về thông tin sản phẩm nói chung và sữa nói riêng là điều cần kíp bởi người tiêu dùng đã phải gánh chịu quá nhiều thiệt hại của sự không minh bạch về thông tin sản phẩm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam ý kiến: “Chúng ta phải phân rõ các khái niệm sữa tươi nguyên chất, sữa tươi có bổ sung một số chất khác và sữa hoàn nguyên, sữa pha lại để đảm bảo quyền được thông tin cho người tiêu dùng”. Và để làm được điều này, Bộ Y tế cần chốt ngay các khái niệm về sữa, để sớm thiết lập lại một thị trường sữa minh bạch tại Việt Nam. 

QCVN5 -1: 2010/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 02/06/2010, có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng: Sản phẩm được chế biến bằng cách bổ sung nước với một lượng cần thiết vào sữa dạng bột, sữa cô đặc hoặc sữa tươi để thiết lập lại tỷ lệ nước và chất khô thích hợp. Trong trường hợp có bổ sung các thành phần khác như đường, nước quả, cacao, cà phê, phụ gia thực phẩm thì thành phần chính phải là sữa, đã qua tiệt trùng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể mãi nhập nhèm khái niệm sữa