Đây là quan điểm của các chuyên gia tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, chiều 19/2, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp chiều 19/2 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về diễn biến dịch bệnh trong cả nước và tình hình dịch bệnh tại tỉnh Hải Dương.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tính đến trưa nay (19/2) trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã ghi nhận thêm 7 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 trong đợt này tại tỉnh là 582 trường hợp tại 12/12 huyện, thành phố (tại Hải Dương có 5 ổ dịch lớn tại Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương); trong những ngày Tết, các trường hợp mắc mới được ghi nhận ở địa phương này chủ yếu ở trong khu cách ly tập trung, không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Nhận định tình hình chung, Bộ Y tế cho rằng, trong đợt dịch này, Việt Nam có 13 tỉnh, thành phố đã ghi nhận ca mắc COVID-19. Trong đó, tình hình dịch bệnh tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được kiểm soát (trừ tỉnh Hải Dương). Tại tỉnh Hải Dương tình hình dịch bệnh cũng chỉ còn phức tạp ở huyện Cẩm Giàng.
Ban Chỉ đạo hoan nghênh Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng của 13 tỉnh, thành phố đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực, cố gắng phòng chống dịch, nhiều anh em không có Tết, làm việc không kể ngày đêm. Đến nay, 12/13 tỉnh, thành phố cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, trừ tỉnh Hải Dương vẫn cần tiếp tục tập trung.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Tổ công tác chống dịch của Bộ Y tế báo cáo trực tuyến với Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Gồng mình chống dịch, không ngừng nghỉ, dù rất mệt mỏi
Báo cáo tình hình dịch bệnh tại Hải Dương, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác chống dịch của Bộ Y tế tại Hải Dương cho biết, từ ngày dịch COVID-19 xuất hiện tại địa phương (ngày 27/1) đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 580 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, 2 ổ dịch lớn là Công ty POYUN Việt Nam (Khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh) và ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng.
Ngay từ đầu, ổ dịch Công ty POYUN đã được “đóng băng, khóa chặt”. Toàn bộ công nhân của công ty đã được đưa đi cách ly ngay trong đêm, ngày hôm sau đã cách ly xã hội thành phố Chí Linh. Những ngày gần đây các ca nhiễm mới ở TP. Chí Linh đều là các trường hợp F1, đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Ổ dịch lớn thứ hai trên địa bàn tỉnh Hải Dương là ở huyện Cẩm Giàng, từ đây lan ra một số khu vực lân cận, doanh nghiệp,… Điều đáng lưu tâm là, nguồn lây ở khu vực này đến nay cũng chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương cũng đã nhanh chóng phong tỏa toàn huyện, cách ly doanh nghiệp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Hải Dương đang tập trung toàn lực để dập dịch trên địa bàn này.
PGS.TS Trần Đắc Phu ví von “Chí Linh, Cẩm Giàng như những đám cháy lớn, tất yếu tàn lửa sẽ văng ra xung quanh, nên văng chỗ nào phải khoanh vùng, dập chỗ đó”. Với quan điểm chống dịch nhanh nhất, quyết liệt nhanh nhất, tỉnh Hải Dương đã thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Việc Hải Dương “dũng cảm” thực hiện cách ly toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg không chỉ giữ an toàn cho địa phương mà cũng là giữ an toàn cho cả nước.
Theo PGS.TS Trần Như Dương: “Các lực lượng chống dịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ trên xuống dưới, đều gồng mình chống dịch, không ngừng nghỉ, dù rất mệt mỏi. Tỉnh đã truy vết, cách ly tổng cộng trên 14.000 F1 để tách nguồn lây khỏi cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm trên 160.000 mẫu, gần đây đều lấy trên 10.000 mẫu/ngày,… Đó là một sự nỗ lực rất lớn”.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng Bộ Y tế cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, nếu không sẽ dẫn tới “ngăn sông cấm chợ”. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Về ổ dịch tại TP. Hải Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Khu vực này không phải trọng điểm, không phải là ổ dịch lớn nhưng cần phải tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình sát sao trong những ngày tới, tuyệt đối không được chủ quan”.
Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng đánh giá cao nỗ lực của Hải Dương và lực lượng quân đội trong việc tổ chức cách ly khẩn cấp cho khoảng 2.500 người trong đêm. Đây là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong việc tổ chức cách ly trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, do thời gian đầu điều kiện cách ly tập trung còn khó khăn, biến thể mới lây lan nhanh nên việc lây nhiễm trong khu cách ly là có khả năng xảy ra, nhưng quan trọng là chúng ta đã khoanh được.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu khẳng định, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh tại thành phố Chí Linh hoàn toàn được kiểm soát, ổ dịch ở Cẩm Giàng cơ bản được kiểm soát, còn TP. Hải Dương cần tiếp tục theo dõi.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương lý giải: Những ngày gần đây, số ca dương tính phát sinh thêm trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát sinh từ nguồn F1 (đều đã được cách ly tập trung, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng), số này chiếm 95%; chưa đầy 5% còn lại là các ca được phát hiện trong khu vực phong toả (cũng đã được khoanh vùng và triển khai xét nghiệm diện rộng); chỉ có 3 ca là phát hiện qua giám sát trong cộng đồng và cũng đã được khoanh vùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nêu thực té thông tương hàng hóa từ Hải Dương qua các tỉnh lân cận rất khó khăn. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Quy định rõ ổ dịch, vùng dịch, không “ngăn sông, cấm chợ”
Đáng chú ý, trong đợt dịch này, dư luận và lãnh đạo, nhân dân Hải Dương cũng phản ánh tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết nhiều thương lái dù đã đặt hàng thu mua nông sản của bà con nhưng không quay lại. Việc vận chuyển hàng hóa (kể cả việc nhận hàng của doanh nghiệp FDI từ cảng) cũng là cả một vấn đề, nhất là đi liên tỉnh,…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nêu thực tế lưu thông hàng hóa, nông sản, xuất khẩu từ Hải Dương qua các địa phương lân cận đều “khó ra, khó vào”, bị “ngăn sông cấm chợ”. Việc vận chuyển hàng hóa vào khu vực phong toả cũng rất khó khăn (trừ hàng hóa thiết yếu). Các thị trường tiêu thụ cũng e dè với hàng hóa đến từ vùng dịch, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn…
“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong lưu thông hàng hóa, nông sản tại Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế,… vì vậy cần có quy trình khung để áp dụng thống nhất trong cả chuỗi cung ứng nông sản”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị.
Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng cần phải nhận thức đúng để thông tin đúng đắn về tình hình dịch bệnh ở Hải Dương. Hiện nay, các địa phương đang có sự lầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới “ngăn sông cấm chợ”. Do vậy, Bộ Y tế cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, để các địa phương áp dụng thống nhất. Việc thông tin về dịch bệnh không được làm nhẹ đi, mà cũng không được thổi phồng lên, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, thậm chí là tạo ra tâm lý “kỳ thị với Hải Dương”.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Ghi nhận các ý kiến phản ánh của địa phương, cơ quan quản lý và quan điểm của chuyên gia, Ban Chỉ đạo cho rằng về những bất cập trong lưu thông hàng hóa từ Hải Dương qua các tỉnh lân cận trong những ngày qua bản chất là do các tỉnh hiểu chưa chính xác về khái niệm ổ dịch, vùng dịch. Các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần phải làm rõ định nghĩa “ổ dịch” và “vùng dịch” để tránh tình trạng "ngăn sông, cấm chợ".
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao 1 mức để ngăn chặn, bởi Hải Dương là đầu mối giao thông, liên quan đến nhiều địa phương. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tỉnh lân cận thực hiện “ngăn sông, cấm chợ”. Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các tỉnh và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế công bố lại trên Cổng Thông tin điện tử những vùng dịch người ra, vào phải kiểm soát, đến nơi khác phải khai báo, giám sát y tế. Ví dụ đối với tỉnh Hải Dương là những vùng dịch ở TP. Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và xã, thôn cụ thể chứ không phải toàn tỉnh.