Không thể cho phép Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực

Thái Văn| 21/05/2014 08:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những ngày qua, nhiều nhà bình luận, phân tích, các chuyên gia và cả nhà chính trị đã đưa ra ý kiến phê phán hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Đáng chú ý là những đánh giá từ Nhật Bản.

Cần hình thành một khối vững chắc toàn khu vực để đối phó với Bắc Kinh

Về mục đích của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Giáo sư Michishita (Nhật Bản) nhận định: “Động thái này của Bắc Kinh dường như là một phép thử đối với quan điểm an ninh của Tổng thống Obama. Washington cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho châu Á, vậy thì Trung Quốc muốn thử xem cam kết đó của Mỹ có hiệu lực đến đâu trước những thách thức an ninh mà Bắc Kinh đặt ra. Phải chăng là Washington không thể thực hiện được lời hứa của mình đối với các đồng minh ở châu Á. Sự việc trên xảy ra ngay sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama, mang theo những cam kết của Mỹ và thể hiện mối quan tâm sâu sắc của Mỹ đối với vấn đề an ninh ở châu Á cũng như những quan ngại đang hiện hữu trong khu vực. Do đó, theo tôi, bản chất thực sự của những diễn biến vừa qua chính là việc Trung Quốc đang muốn thách thức những cam kết của Mỹ sau chuyến công du châu Á của ông Obama. Đó là điều khiến tôi thấy quan ngại hơn cả.

Không thể cho phép Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực

Tàu Trung Quốc dùng súng bắn nước vào tàu kiểm ngư Việt Nam

Điều mấu chốt là Trung Quốc không chỉ gây rắc rối cho Việt Nam mà cả còn tăng cường sức mạnh và uy hiếp các quốc gia khác như Nhật Bản và Philippines. Do vậy, không chỉ tăng cường quan hệ ngoại giao mà các nước như Nhật Bản, Việt Nam cần siết chặt hợp tác quốc phòng để cùng tạo nên một đối trọng cần thiết trước sức ép ngày càng lớn của Trung Quốc. Trong việc này, cá nhân Nhật Bản hay Việt Nam không thể tự giải quyết được mà cần hình thành một khối vững chắc toàn khu vực để đối phó với Bắc Kinh. Với ý nghĩa như vậy, vừa rồi Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản cần cho phép áp dụng quyền phòng vệ tập thể”.

Về cách thức xử lý của Việt Nam, Giáo sư Michishita nói: “Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao như vậy, nhưng Việt Nam vẫn giữ thái độ kiềm chế. Tôi đánh giá rất cao khả năng này của các bạn. Tuy nhiên, vấn đề mà tôi quan ngại là liệu Trung Quốc có tận dụng sự kiềm chế này của Việt Nam để chuẩn bị cho một toan tính nào tiếp theo nữa hay không. Các bạn càng hạn chế đưa ra các phản ứng tương ứng với sức ép mà Trung Quốc đặt ra thì sẽ càng khiến đối phương thừa cơ dồn vào thế bí. Do vậy, theo tôi, trong lúc Việt Nam vừa phải duy trì thái độ kiềm chế trước những hành động hung hăng của Trung Quốc thì Việt Nam cần phối hợp với các nước liên quan mà trước tiên là Nhật Bản, Mỹ và ASEAN cùng thống nhất hành động và đưa ra những tuyên bố và động thái ngoại giao tương ứng đáp trả nhằm buộc Bắc Kinh phải xuống thang và giảm bớt những hành động hung hăng trên Biển Đông. Điều tôi lo nhất là Trung Quốc không ngừng sử dụng sức mạnh để thay đổi từng bước hiện trạng nhằm biến thành việc đã rồi. Cứ theo từng bước như vậy Trung Quốc sẽ thay đổi hiện trạng nhiều hơn nữa.

Không thể cho phép Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực

Thiết bị trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị hư hại

Cách tiếp cận của Trung Quốc mang tính dài hạn với việc mở rộng từng bước từng bước vùng ảnh hưởng của mình. Để đối phó với cách tiếp cận đó của Trung Quốc, chúng ta cần từng bước nâng cao năng lực bảo vệ của bản thân, bao gồm năng lực quân sự, năng lực phòng thủ, năng lực của cảnh sát, năng lực chấp pháp trên biển, đồng thời mở rộng cơ chế hợp tác trên toàn khu vực bao gồm trên cả lĩnh vực an ninh lẫn ngoại giao.

Chúng ta cần xây dựng nhận thức chung trên toàn khu vực rằng không thể cho phép Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Chìa khóa ở  đây chính là việc chúng ta phải xây dựng được một cơ chế hợp tác bao gồm cả hợp tác an ninh để dựa vào đó Trung Quốc sẽ phải chịu thiệt hại khi có các hành động vô trách nhiệm. Từng bước xây dựng cơ chế này là bài toán đặt ra cho chúng ta hiện nay.

Trong trường hợp cụ thể lần này, Việt Nam cần tận dụng việc kiềm chế, tránh xung đột với Trung Quốc để tạo ấn tượng với cộng đồng quốc tế là các bạn đang nỗ lực giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Việt Nam cần tích cực thông tin một cách thường xuyên và đầy đủ cho các nước trong khu vực.

Truyền thông Nhật Bản cập nhật đầy đủ các diễn biến, qua đó, người dân Nhật Bản và châu Á theo dõi những gì mà Trung Quốc đang làm. Từ đó, dư luận quốc tế sẽ có sự hiểu biết rõ ràng hơn những gì đang diễn ra trên Biển Đông. Nỗ lực này của Việt Nam sẽ gây sự chú ý của Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới rằng Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm và hành xử một cách có trách nhiệm trong khu vực. Theo tôi, đó chính là sức ép lớn nhất mà Việt Nam có thể tạo ra đối với Trung Quốc buộc Bắc Kinh phải hạ nhiệt căng thẳng”.

Giáo sư Michishita chia sẻ: “Nhật Bản cũng từng trải qua sự cố va chạm tàu với Trung Quốc tương tự như Việt Nam. Năm 2010, vụ  việc giống như vậy cũng đã xảy ra tại vùng biển gần quần đảo Senkaku khi một tàu cá của Trung Quốc cố tình đâm vào tàu của Lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Khi đó, truyền thông Nhật Bản đăng tải những hình ảnh về vụ đâm tàu này. Giờ đây, khi chứng kiến sự kiện tàu Trung Quốc đâm tàu cảnh sát biển Việt Nam, người Nhật Bản nhìn chung đều có chung sự đồng cảm và chia sẻ quan điểm với Việt Nam”.

Tình hình căng thẳng, có phần nguy hiểm

Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành động của Trung Quốc. Ông nói: “Hành động (của Trung Quốc) làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này khiến Nhật Bản không thể không quan ngại. (Các bên) cần tránh những hành động đơn phương (ở biển Đông)”.

Không thể cho phép Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực

Tàu 46102 của Trung Quốc đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng bày tỏ “quan ngại mạnh mẽ” trước vụ va chạm tàu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại biển Đông và nói “Nhật Bản quan ngại mạnh mẽ (trước vụ việc). Chúng tôi kêu gọi các bên hành xử kiềm chế”.

Nhà báo Toshihiro Yatagal, Trưởng Văn phòng đại diện Hãng tin Kyodo News của Nhật Bản tại Bangkok, sau những ngày thực tế tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa, nhận định: “Tôi thấy tình hình căng thẳng, có phần nguy hiểm. Những ngày qua, tôi tận mắt chứng kiến căng thẳng diễn ra như thế nào, cũng như cái cách Trung Quốc điều tàu, hành xử và đối sách của Việt Nam để giải quyết tình hình.

Đập vào mắt tôi là rất nhiều các loại tàu Trung Quốc, tạo thành những lớp bảo vệ dày đặc khu vực giàn khoan 981. Có các tàu chấp pháp, tàu đầu kéo, dịch vụ dầu khí và cả tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa vòng ngoài. Có một vài lần máy bay Trung Quốc quần lượn trên bầu trời. Rõ ràng, cách đưa số lượng lớn tàu này, đặc biệt tàu quân sự là không nên, Trung Quốc chỉ đang làm tình hình trên Biển Đông căng thẳng, xấu đi. Khi các tàu Việt Nam đi về phía giàn khoan thì Trung Quốc quyết liệt ngăn cản bằng nhiều tàu và cách di chuyển của tàu Trung Quốc cũng rất đáng sợ.

Không thể cho phép Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực

Lan can tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị gãy

Việt Nam ít tàu hơn và không hề  có các tàu quân sự. Việt Nam chỉ điều các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư làm nhiệm vụ. Tôi thấy phản ứng Việt Nam rất kiềm chế nhưng kiên trì, kiên quyết. Đối sách Việt Nam phù hợp, thể hiện sự mong muốn hòa bình, không làm gia tăng xung đột, căng thẳng ở Biển Đông, nhưng quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn vùng biển. Những ngày qua, tôi thấy các tàu Việt Nam chỉ sử dụng biện pháp tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép, rời khỏi vùng biển này. Không có bất kỳ phản ứng nào mang tính “đáp trả” của Việt Nam. Tôi có khá nhiều tư liệu thực tế, khách quan về việc đâm va, xịt vòi rồng của các tàu Trung Quốc đối với tàu Việt Nam”.

Đảng Cộng sản Nhật Bản đã tổ chức cuộc thảo luận trong đảng về tình hình căng thẳng trên Biển Đông, sau đó đã ra tuyên bố nêu rõ quan điểm đối với hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của phía Trung Quốc. Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản, ông Shi Kazuo nhận định, tình hình căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua bắt nguồn từ việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Hành động này đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết cùng các nước ASEAN vào năm 2002. Đảng Cộng sản Nhật Bản nhấn mạnh, DOC cần được các bên có liên quan tuân thủ và thực thi một cách nghiêm túc.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể cho phép Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực