Không phải chuyện chữ nghĩa

Bảo Dân| 21/03/2017 06:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần một tháng qua, trên báo tràn ngập các thông tin về việc “lấy lại”, “giành lại” vỉa hè cho người đi bộ. Có người đặt câu hỏi, vỉa hè của ai? Câu trả lời có thể là: của Nhà nước; của các chủ nhà có mặt tiền; của “mấy ông phường” bảo kê cho kinh doanh.

Nhìn rộng hơn, “dành cho người đi bộ” chỉ là một trong số những công năng của vỉa hè đã bao năm bị “lờ đi”. 

Vỉa hè và cả khoảng trời trên nó, khoảng đất dưới nó đều là không gian công cộng mà mọi người cần phải tôn trọng. Chính quyền các cấp đứng ra quản lý vỉa hè dưới sự ủy quyền của người dân và có thể đầu tư, phát triển, sử dụng nó (có điều kiện) như một công trình phúc lợi vì lợi ích chung, chứ không phải vì một vài cá nhân hay nhóm lợi ích nào đó. Nhưng lâu nay, những gì đã diễn ra trên vỉa hè và “sau vỉa hè”, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, hoàn toàn khác những gì được ghi trên lý thuyết.

Dễ nhận thấy, lực lượng có nhiệm vụ giữ trật tự vỉa hè của các phường đều quen biết, thậm chí có quan hệ gần gũi với người vi phạm trên địa bàn. Họ thường “nghiêm khắc” với những người từ nơi khác đến (nhất là bà con bán hàng rong) và cũng dễ “thông cảm”với những người quen, “có quan hệ tốt”. Vẫn dai dẳng tồn tại câu hỏi: Có hay không tệ nạn bảo kê cho việc bán hàng, trông giữ xe, xây lấn trái phép trên vỉa hè... ? Câu trả lời là: Có và cũng không ít - như ngày 4/3, ông Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ.

Mỗi mét vuông vỉa hè trên mọi tuyến phố đều “có chủ”, “có giá”, “có thu”. Số “thu” này vào túi riêng của một số ít người, được rải dần và đều trong “hệ thống”. Và dù cũng đã có nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý nhưng tệ nạn này chưa chấm dứt. Hậu quả là vỉa hè bị biến thành nơi bán hàng, họp chợ, để xe như một chuyện “đương nhiên”. Một năm vài lần, chính quyền lại tổ chức lực lượng “ra quân” theo kế hoạch để ghi vào báo cáo cuối năm. Khi lực lượng chức năng đi khỏi, tình trạng mất trật tự, lộn xộn, nhếch nhác “lại đâu vào đó”.

Nhưng đó mới chỉ là những gì trực tiếp nhìn thấy như phần nổi của tảng băng. Những hư tổn không nhìn thấy do những nhếch nhác, rối ren trên vỉa hè còn lớn hơn nhiều. Đó là cái nhìn thiếu thiện cảm của khách du lịch quốc tế. Một trong những lý do làm cho nhiều du khách đến Việt Nam rồi “một đi không trở lại” chính là sự lộn xộn mất mỹ quan và vệ sinh, mất trật tự và an toàn trên các tuyến phố. Đó là sự mệt mỏi, thất vọng của số đông nhân dân trước một vấn nạn “nhỏ”mà giải quyết mãi không xong. 

Những hành động mạnh mẽ của chính quyền để lập lại trật tự đô thị trên vỉa hè, dù đã làm “thiệt hại” một số người vi phạm nhưng đã mang lại lợi ích chính đáng và tạo sự thân thiện trong môi trường xã hội cho đông đảo nhân dân - điều lâu nay đã bị một số ít người khác chiếm dụng trái phép. Nếu công việc này được các cấp chính quyền làm thường xuyên, xử lý nghiêm và kịp thời cả người vi phạm và những người thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm, chúng ta sẽ có một hệ thống vỉa hè ngăn nắp, trật tự, đường sẽ thông và hè sẽ thoáng.

Điều quan trọng trong việc xử lý các vi phạm, lập lại trật tự trên vỉa hè đô thị, lâu nay vẫn được dư luận nhắc đến, là việc duy trì kết quả để không tái diễn cảnh “ném đá ao bèo”, tái lấn chiếm, tái lộn xộn. Sau “cú hích” tạo chuyển biến phải là việc duy trì và mở rộng, nâng cao những kết quả tích cực đã đạt được. Đây chính là điểm mấu chốt để lấy lại lòng tin của số đông nhân dân với hệ thống bộ máy chính quyền từ cơ sở.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không phải chuyện chữ nghĩa