Các chuyên gia tâm lý cho biết, khi trẻ khoảng 5-7 tuổi, phụ huynh không nên nói dối rằng ông già Noel là có thật, bởi những câu chuyện này có thể gây hại đến trẻ sau này khi chúng phát hiện ra sự thật.
Vào mỗi dịp Giáng sinh, hình ảnh ông già Noel mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng với chòm râu trắng và bộ mặt hóm hỉnh đi phát quà đã trở thành biểu tượng vô cùng thân thuộc. Ông già Noel là người mang quà đến cho trẻ em trên khắp thế giới vào dịp Giáng Sinh, bé nào ngoan thì sẽ được đúng món quà mình mong ước, bé nào hư thì chỉ được những cục than. Đó là những câu chuyện được người lớn kể cho con em mình, nhằm giúp các bé có được một tuổi thơ đẹp, khích lệ các bé cố gắng trong cả năm để được nhận những món quà xinh đẹp vào đêm Giáng sinh.
Tuy nhiên, Giáo sư Tâm lý học Christopher Boyle thuộc ĐH Exeter và tiến sĩ khoa học xã hội Kathy McKay thuộc ĐH New England (Anh) đều đưa ra lời khuyên rằng: Lời nói dối đó có thể hủy hoại mối quan hệ cha mẹ - con cái, hủy hoại niềm tin của trẻ và khiến chúng đặt ra nghi ngờ và dè chừng với mọi người xung quanh khi chúng biết được sự thật.
Trẻ em có thể mất niềm tin vào cha mẹ và những người xung quanh nếu cứ mãi nói dối trẻ về ông già Noel.
"Tính nhân đạo của việc khiến trẻ em tin vào một thứ không có thật cần phải được đặt dấu chấm hỏi. Tất cả trẻ em đều sẽ lớn lên, không sớm thì muộn chúng sẽ biết rằng chúng đã tin vào một lời nói dối suốt nhiều năm ròng. Điều này khiến chúng tự hỏi rằng còn bao nhiêu lời nói dối nữa mà cha mẹ đã nói với chúng?", Giáo sư Boyle cho biết.
Vậy khi nào là thời điểm thích hợp để ngăn chặn sự dối trá này? Theo nhà tâm lý học và chuyên gia nuôi dạy trẻ - Tiến sĩ Justin Coulson, trẻ trở nên đặc biệt tò mò và sẽ liên tục đặt ra những câu hỏi trong độ tuổi từ 5 đến 7. "Thời điểm thích hợp để nói với con bạn về sự thật này chính là ngay khi chúng hỏi”, Tiến sĩ Justin Coulson nói. "Nếu trẻ đủ tuổi và đủ tò mò để đặt câu hỏi, thì trẻ đủ lớn để biết sự thật".