Văn phòng Thừa phát lại (TPL) có quyền áp dụng cưỡng chế và bảo đảm cưỡng chế theo quy định hay không, là nội dung được nhiều ĐB quan tâm bàn luận khi tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL, trong phiên thảo luận QH sáng 20/11.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Lập phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, thực tiễn thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 36 của Quốc hội thời gian qua cho thấy, hoạt động của TPL đã góp phần thực hiện tốt hơn những quy định liên quan của Hiến pháp năm 2013 như về: quyền tư pháp và vị trí, vai trò của Tòa án; hiệu lực thi hành của các bản án, quyết định của Tòa án; cải cách bộ máy hành chính; xã hội hóa dịch vụ công; tôn trọng quyền và lựa chọn của người dân...
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, đến nay chế định TPL đang được thí điểm tại 13 địa phương với 53 Văn phòng TPL được thành lập, có 134 TPL, 295 Thư ký nghiệp vụ đang hành nghề tại các văn phòng. Tính đến ngày 30/9/2015, các Văn phòng TPL đã tống đạt được gần 940.000 văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập gần 43.000 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu là gần 136 tỷ đồng. Với thời gian thực tế hoạt động là chưa nhiều (các Văn phòng TPL tại TP Hồ Chí Minh chính thức hoạt động từ giữa năm 2010; tại các địa phương mở rộng thí điểm, các Văn phòng TPL mới chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2013, đầu năm 2014) và còn rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm.
Tại phiên thảo luận hầu hết các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung TPL triển khai như: hoạt động tống đạt; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành án. Đối với hai nội dung đầu đa số các đại biểu đều ủng hộ, đó là:
Về hoạt động tống đạt của TPL, các đại biểu đều cho rằng đã giúp giảm tải công việc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án, vị thế của Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Thông báo số 03/TB-TANDTC ngày 14-8-2015 của TANDTC về tổng kết việc tiếp tục thí điểm chế định TPL đã đánh giá: “Hoạt động của TPL trong việc tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án đã góp phần làm giảm khối lượng công việc phải tống đạt để Thẩm phán, Thư ký Tòa án tập trung vào công việc giải quyết, xét xử các loại vụ án, từ đó góp phần bảo đảm việc xét xử được nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật. Như vậy, có thể nói, hoạt động của TPL đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xét xử, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia tố tụng...”.
Về hoạt động lập vi bằng của TPL, các đại biểu đều cho rằng đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. Đồng thời, vi bằng do TPL cũng góp phần bổ sung nguồn chứng cứ, giúp các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế tranh chấp giữa các bên liên quan, tạo cơ sở để cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật. Trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của TPL, các đại biểu cũng đánh giá là đã giúp người dân có thêm công cụ hỗ trợ tích cực để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức thi hành án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Trong thời gian chưa thay thế các cơ quan thi hành án dân sự thì đây là hoạt động bổ trợ tích cực cho hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, riêng đối với hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành án của TPL tại Điều 4, Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định: TPL có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế và bảo đảm cưỡng chế theo quy định, kể cả trường hợp cần huy động lực lượng hỗ trợ. Nhiều ý kiến đại biểu không đồng tình vì cho rằng, cưỡng chế là quyền lực đặc biệt, chỉ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Việc quy định thẩm quyền này của TPL không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TPL.
Các đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Trần Văn Độ (An Giang), Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cùng chung quan điểm khi cho rằng, TPL được tham gia vào quá trình thi hành án nhưng chỉ ở mức độ vừa phải, ở các giai đoạn đơn giản, thỏa thuận chứ không nên quy định “có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định, kể cả trường hợp cần huy động lực lượng hỗ trợ” như trong dự thảo Nghị quyết.
Tán thành với biện pháp không huy động lực lượng cưỡng chế thi hành án, đại biểu Huỳnh Thành Lập, đoàn thành phố Hồ Chí Minh bầy tỏ: “Tôi ủng hộ ý kiến thẩm tra của Ủy ban tư pháp, không tán thành quy định thẩm quyền TPL trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự có huy động lực lượng. Cưỡng chế là quyền lực đặc biệt, chỉ do cơ quan nhà nước có có thẩm quyền áp dụng. Nếu văn phòng TPL một chế định dưới hình thức Công ty huy động lực lượng phong tỏa, khấu trừ tài khoản thu nhập của người thi hành án là không phù hợp”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) bên lề hành lang Quốc hội cũng cho rằng, về các chức năng nhiệm vụ của TPL, bước đầu là tống đạt các văn bản của tòa án, lập vi bằng, xác định điều kiện thi hành án… chứ không nên giao việc thi hành án cho TPL. Bởi các cơ quan TPL không đủ sức làm. Khi thi hành án ở mức độ cưỡng chế, phải huy động một máy công quyền của nhà nước như công an, các ngành các cấp. Đấy là chưa kể chuyện kinh phí thực hiện, nên có giao thì TPL cũng không làm được, do đó chỉ nên để tổ chức này tham gia vào quá trình cưỡng chế.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) quyết liệt hơn khi cho rằng "sẽ vô lý nếu khi thực hiện thi hành án mà TPL lại đi huy động công an hay các lực lượng khác để cưỡng chế".
Riêng đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) đề nghị bỏ hẳn nội dung về hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành án của TPL. Qua bàn luận, nhiều đại biểu đề nghị cần cân nhắc, chỉ quy định TPL áp dụng biện pháp cưỡng chế mà không có sự huy động lực lượng như: phong tỏa, khấu trừ tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án…
Cuối phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình rằng, Quốc hội cần ra nghị quyết chấm dứt thí điểm TPL theo Nghị quyết 36 để thực hiện trên toàn quốc, góp phần tiết kiệm ngân sách của nhà nước, giảm bớt bộ máy biên chế, tích cực thực hiện xã hội hóa.