Chưa đến 2-9 nhưng các sân tập ở trại giam Ninh Khánh đã nhộn nhịp. Sắc áo vàng xen lẫn màu áo đặc trưng của phạm nhân. Chỉ còn vài ngày nữa, họ sẽ là những cầu thủ thi đấu, song từ lúc này khoảng cách bị canh coi và người quản lý dường như không còn.
Hiện ra trước mắt chúng tôi khi đến phân trại K2, trại giam Ninh Khánh là cảnh ồn ào giữa một sân bóng lớn. Nếu không có một vài chiếc áo kẻ sọc vắt gần đó, cạnh những người mặc quân phục cảnh sát, cứ nghĩ đám thanh niên bên ngoài vào, mượn sân của trại chơi thể thao.
Thượng tá Phạm Xuân Kiểm, Phó Giám thị trại cười bảo các quản giáo và phạm nhân đang gấp rút luyện tập để thi đấu nhân dịp mồng 2-9 sắp tới. “Phạm nhân nào có tên trong đội tuyển văn nghệ hay thể thao, được nghỉ nửa ngày không phải lao động để tập luyện nhưng quản giáo thì vẫn phải dẫn đội đi làm như mọi ngày, việc tập luyện cho thi đấu phải tranh thủ ngày không trực, ngày nghỉ hoặc ngoài giờ”, anh Kiểm cho biết. Cũng theo vị Phó Giám thị này thì ở các phân trại khác trong trại, mấy ngày nay đều nhộn nhịp việc tập luyện. Ban Giám thị tổ chức thi đấu văn hóa văn nghệ, thể thao giữa các đội, các phân trại với nhau, có giải thưởng nên ai cũng háo hức, hồ hởi.
Mặc dù năm nay nhân dịp 2-9, không diễn ra sự kiện đặc xá, tha tù cho các phạm nhân nhưng việc xét giảm án cho những phạm nhân tiến bộ, cải tạo tốt vẫn được tiến hành. Đến trại giam Ninh Khánh, đóng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình những ngày này mới thấy hết sự khẩn trương các công tác hoạt động của cán bộ quản giáo. Vừa phải duy trì việc cải tạo lao động như những ngày làm việc bình thường, các quản giáo còn đảm nhiệm thêm một công việc nữa đó là tìm các nhân tố mới trong số những phạm nhân mình đang quản lý, có năng khiếu văn nghệ, thể thao để đưa họ vào đội, tập luyện. Theo lịch trình, gần 4.000 phạm nhân đang cải tạo ở đây sẽ được nghỉ lễ 3 ngày và để chào mừng ngày Quốc khánh đang tới gần, không chỉ phạm nhân mà ngay cả các cán bộ quản giáo sẽ tham gia các hoạt động thi đấu văn hóa, văn nghệ và thể thao.
Phạm nhân lao động tại Trại giam Ninh Khánh
Theo Đại tá Phạm Hữu Học thì do Trại giam Ninh Khánh có 4 phân trại trong đó có cả phân trại nữ nên việc tổ chức các trò chơi giải trí trong dịp Quốc khánh này sẽ diễn ra trong 3 ngày nghỉ lễ với nhiều chương trình đa dạng, phong phú. Hai phân trại nam sẽ có những cuộc thi đấu, giao lưu bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, ca hát còn phân trại nữ ngoài thi đấu bóng chuyền, cầu lông, sẽ diễn ra những trò chơi mang tính dân gian như cắm hóa, thổi nấu, ném còn…”. Những ngày nghỉ là khoảng thời gian phạm nhân nhớ nhà nhất, dễ nảy sinh tiêu cực. Đưa họ đi làm với chúng tôi dù mệt mỏi nhưng không căng thẳng bằng việc quản lý họ lúc nghỉ ở nhà. Càng những ngày lễ, Tết, ngày nghỉ càng phải cảnh giác”, Đại tá Học cho biết.
Nằm ở vùng đồng trũng, xung quanh có núi đá và khu dân cư nên trại giam Ninh Khánh có những đặc thù rất riêng với đa dạng các ngành nghề từ thủ công như nổ mìn phá đá đá đến những công việc thuần túy có từ bao đời nay như chăn nuôi, làm ruộng. Hàng ngày có tới hàng chục đội phạm nhân được ra ngoài trại làm các công việc khác nhau như trồng hoa màu, thả cá, làm ruộng, chăn nuôi lợn gà nên luôn tiềm ẩn những vi phạm mà nếu có cơ hội là phạm nhân thực hiện. Việc lén lút mang ma túy, điện thoại di động, vật nguy hiểm, bị cấm vào nơi giam giữ, nếu không được kiểm tra gắt gao sẽ xảy ra mà theo đại tá Học thì do người nhà phạm nhân, quá trình thăm nuôi, giấu ở những nơi có phạm nhân cải tạo rồi ra ám hiệu để mang vào. Chính vì thế mà không chỉ dịp quốc khánh mới tăng cường thêm chốt, điểm tuần tra canh gác mà lực lượng cảnh sát bảo vệ luôn phải có phương án, lúc nào cũng trong tình trạng đề cao cảnh giác, đề phòng tình huống bất ngờ.
Họ hăng say tập luyện văn nghệ cho cuộc thi đấu sắp tới
Mặc dù đang mải miết với đường may song khi được hỏi, phạm nhân Nguyễn Văn Quang, SN 1971, quê ở Thường Tín, Hà Nội, không giấu vẻ luyến tiếc khi tâm sự về ngày Quốc khánh năm nay. Chỉ vì không kiềm chế được cơn nghiện, Quang đã cầm dao vào nhà bác khống chế, cướp ví tiền. Bị kết án 16 năm tù về tội giết người, cướp tài sản không thành, Quang thấm thía lắm cái giá của sự bồng bột nên rất chăm chỉ lao động. Anh ta khoe trong quá trình hơn 10 năm cải tạo đã được xét giảm án tổng cộng 4 năm 6 tháng. Dịp 30-4 vừa qua, Quang cũng có tên trong danh sách xét giảm án vì có thành tích tiến bộ trong cải tạo và chấp hành nội quy. “Số em đen quá, nếu năm nay có đặc xá thì chắc chắn là em sẽ được tha tù. Tính ra em còn 13 tháng nữa là mãn hạn, đành phải chờ thôi cán bộ ạ”, Quang nói, giọng đầy tiếc rẻ.
Còn phạm nhân Trần Quang Công, SN 1985 ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, không tỏ ra tiếc hùi hụi như Quang bởi nếu có đặc xá thì anh ta cũng còn thiếu đến chục ngày cải tạo. Phạm tội cướp của, giết người với mức án 15 năm tù, thời gian đầu Công liên tục vi phạm vì chán nản nhưng khi được cán bộ động viên, phân tích đã ý thức được tội lỗi của mình, tích cực cải tạo. Ba lần được giảm án trong đó lần gần nhất là dịp Tết âm lịch vừa rồi nên Công tỏ ra khá am hiểu khi cho biết bản thân trong năm nay đã hết lượt được giảm án. “Ở bên ngoài hiểu biết pháp luật của phạm nhân có thể hạn chế chứ vào trong này các quy định, tiêu chí về xét giảm án, tha tù, đặc xá là họ nắm rõ lắm”, Đại úy Hồng, Đội trưởng đội giáo dục trại giam Ninh Khánh cho biết.
Không đầy tâm trạng như hai phạm nhân nam, nữ phạm nhân Lã Thị Hiền, SN 1977, cười rất tươi khi được hỏi về kế hoạch cho 3 ngày nghỉ dịp lễ 2-9. Cô gái thành Nam này vào trại giam vì tội ma túy, mặc dù mới ăn cơm trại được 8 tháng nhưng Hiền rất chăm chỉ cải tạo mà tấm băng đội trưởng trên tay là một minh chứng. Vóc dáng cao to, Hiền có chân trong đội bóng chuyền của phân trại nữ. Cô tâm sự sẽ thi đấu hết mình để có một trận bóng đẹp “hầu” người xem là các “đồng nghiệp” cùng phân trại.
Lam Trinh