Đó là ý kiến chung của các đại biểu tại Hội thảo "Quy hoạch và Quản lý phát triển không gian ngầm đô thị", do Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, UBND Tp. Hồ Chí Minh và Hội Không gian ngầm và Hầm quốc tế phối hợp tổ chức.
Hội thảo với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh.
Không gian thứ hai của đô thị hiện đại
Theo các chuyên gia, không gian ngầm là một dạng tài nguyên quý báu cần được tích cực khai thác để trở thành "không gian thứ 2 của đô thị hiện đại”. Việc khai thác không gian ngầm ở Việt Nam mới được bắt đầu quan tâm nên còn nhiều bất cập.
Trong khi quỹ đất ngày càng thu hẹp thì xu hướng phát triển không gian ngầm giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của các đô thị, nhất là các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng phát triển không gian ngầm đang giữ vai trò chiến lược khi không gian trên cao đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các đô thị cũ không còn nhiều quỹ đất. Thậm chí, có một số công trình giao thông ngầm đô thị mà hệ thống giao thông mặt đất không thể nào thay thế được.
Những năm gần đây, trước yêu cầu của cuộc sống và sự phát triển kinh tế xã hội, công tác hạ ngầm nhiều công trình đường dây nổi tại Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã được quan tâm thực hiện, bước đầu tạo bộ mặt khang trang hơn và an toàn hơn. Các công trình giao thông ngầm cũng đã được xây dựng tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, đặc biệt là hầm đường ôtô vượt sông Sài Gòn, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố, tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế của thành phố.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, quy hoạch không gian ngầm ở nước ta vẫn còn là vấn đề mới mẻ, đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý, quy hoạch và khai thác. Các gara, bãi đỗ xe ngầm mới chỉ được xây dựng gắn liền với tòa nhà chứ chưa có công trình bãi đỗ xe ngầm công cộng. Các tuyến đường sắt đô thị có đoạn đi ngầm ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh mới được triển khai nhưng còn chậm tiến độ.
Thực tế, lĩnh vực quản lý không gian ngầm đô thị ở nước ta còn nhiều “khoảng trắng”. Theo TS Trần Anh Tuấn, Cục phó Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, nước ta chưa có hệ thống số liệu điều tra về địa chất công trình, địa chất thủy văn, chưa có bản đồ hiện trạng, chưa có quy hoạch công trình ngầm. Năng lực nghiên cứu, khảo sát thiết kế còn hạn chế và thiếu những tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến xây dựng công trình ngầm. Chưa có cơ quan thống nhất quản lý công trình ngầm...
Phải có quy hoạch không gian ngầm
Theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, xu hướng đô thị hóa theo hướng phát triển mật độ dân cư trên diện tích hiện có, tiết kiệm đất, không mở rộng diện tích đô thị là xu hướng tăng trưởng thông minh. Những đô thị phát triển theo mô hình này gọi là đô thị nén. Theo quy hoạch, đến năm 2025 dân số ở đô thị Việt Nam tăng hai lần và diện tích đô thị tăng bốn lần, tức đến thời điểm đó toàn lãnh thổ Việt Nam mất thêm 300.000ha đất ruộng để phát triển đô thị. Trong khi đó, do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã mất đi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp nên cần thiết phải hạn chế diện tích đô thị hóa để giữ đất nông nghiệp. Muốn vậy, các đô thị Việt Nam phải khai thác hiệu quả không gian ngầm để tăng diện tích sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai.
Thành phố ngầm Montreal Canada
Theo ông Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, công tác quy hoạch hệ thống giao thông ngầm phải được đặt ở vị trí đặc biệt, bởi nó là mấu chốt cho việc kết nối và chi phối hạ tầng không gian ngầm. Ngoài ra, mức độ đầu tư lớn cho các công trình đòi hỏi Nhà nước cần có chiến lược đi trước một bước, bỏ kinh phí để nghiên cứu, lập quy hoạch tạo điều kiện cho không gian ngầm phát triển. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có những chính sách tạo điều kiện cho các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực có liên quan đến các công trình ngầm tại Việt Nam có điều kiện kết hợp với các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu ứng dụng phù hợp với điều kiện cụ thể Việt Nam.
Kết thúc buổi thảo luận, các đại biểu đều khẳng định, việc phát triển không gian ngầm là xu thế tất yếu của phát triển đô thị trong thế kỷ 21. Vì vậy, cần thiết phải có quy hoạch không gian ngầm, có cơ quan quản lý thống nhất và đặc biệt phải nhanh chóng tập hợp các dữ liệu về hệ thống công trình ngầm tại các đô thị để phục vụ việc đầu tư khai thác không gian ngầm. Trong định hướng phát triển, các đô thị cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam cần thiết phải tính đến quy hoạch không gian ngầm.
Các đại biểu cho rằng chính quyền thủ đô Hà Nội cũng nên tính đến chuyện khai thác không gian ngầm ở khu vực phố cổ Hà Nội để phát triển không gian thương mại, xây dựng trường học và các công trình đô thị. Có như vậy mới bảo tồn được phố cổ trước tốc độ và nhu cầu đô thị hóa ngày càng cao. Hiện Tp. Đà Nẵng đã phê duyệt bãi đậu xe ngầm ở Công viên 29 tháng 3 rộng 2,5ha và nhen nhóm nhiều công trình ngầm khác để phục vụ giao thông.
Trước thực trạng và nhu cầu về không gian ngầm như trên, các đại biểu cùng kiến nghị: cần thiết phải hoàn thiện các quy định về phát triển không gian ngầm đô thị, phải có một cơ quan quản lý thống nhất và nhất định phải có cơ chế tài chính để khuyến khích các chủ đầu tư (tư nhân hoặc Nhà nước) tham gia phát triển không gian ngầm.
Thanh Phương