Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, mô hình không gian làm việc chung (co-working space) tại Việt Nam đang ở giai đoạn kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ.
Kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2012, mô hình không gian làm việc chung, hay co-working space đang lan rộng nhanh chóng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM). Mô hình này bắt đầu thu hút sự chú ý từ năm 2015 với sự ra mắt của các chuỗi không gian làm việc chung trong nước như Dreamplex và Toong.
Thống kê của CBRE cho thấy đến tháng 6/2017, có tổng cộng 17 đơn vị vận hành tại 22 địa điểm. Ngoại trừ một đơn vị nước ngoài, còn lại đều là các đơn vị trong nước. Tuy nhiên, diễn biến này sẽ sớm thay đổi khi một số đơn vị nước ngoài đã có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam trong năm nay và 2018.
Không gian làm việc chung tại Việt Nam được đánh giá đang ở giai đoạn kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh minh họa
Mô hình không gian làm việc chung trên thế giới đang trên đà phát triển với tốc độ trung bình 53% mỗi năm trong vòng 5 năm vừa qua. Tại Việt Nam, cũng trong khoảng thời gian trên, nguồn cung không gian làm việc chung tăng trung bình 58% hàng năm. Do mô hình này hiện nay vẫn còn khá mới mẻ đồng thời các đơn vị vận hành không gian làm việc chung quốc tế và trong khu vực vẫn còn chưa gia nhập thị trường, tốc độ phát triển dự kiến sẽ còn gia tăng trong những năm tới.
Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, 91% người sử dụng Không gian làm việc chung thuộc Thế hệ Y, là những người có độ tuổi dưới 35. Tỷ lệ này cao hơn so với trung bình thế giới là 67%. Con số này cũng phản ánh tỷ lệ dân số trẻ của Việt Nam ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.
Sự phát triển của không gian làm việc chung được thúc đẩy một phần bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của xu hướng khởi nghiệp. Thêm vào đó, khi môi trường làm việc chia sẻ và linh hoạt trở nên phổ biến hơn, không gian làm việc chung trở thành một lựa chọn hợp lý cho khách thuê là doanh nghiệp.
Giá thuê không gian làm việc chung biến động tùy vào từng thành phố. Không gian làm việc chung ở Hà Nội và Tp. HCM hiện đang ở mức giá thấp hơn so với các thành phố khác trong Châu Á Thái Bình Dương, phản ánh chi phí thuê văn phòng thấp của Việt Nam so với khu vực. Về mặt vị trí, không gian làm việc chung ở Việt Nam nhìn chung không nằm ở các tòa nhà Hạng A do đơn vị vận hành cần giữ giá thuê ở mức hợp lý. Không gian làm việc chung thường thấy tại các tòa nhà sử dụng dưới hiệu suất ở khu vực ngoài trung tâm.
Các sự kiện, hoạt động kết nối và hoạt động cộng đồng là cốt lõi của mô hình không gian làm việc chia sẻ. Đó là điểm khác biệt để phân biệt Không gian làm việc chung với các mô hình làm việc khác như văn phòng dịch vụ và văn phòng truyền thống.
Không gian làm việc chung mang đến sự linh hoạt, sáng tạo và tiện ích đa dạng cho các khách thuê. Mô hình này cũng là một giải pháp tiết kiệm chi phí so với văn phòng truyền thống.
Nhu cầu tích hợp mô hình không gian làm việc chung trong các tòa nhà văn phòng truyền thống cũng bắt đầu xuất hiện do nhu cầu của khách thuê. Việc ứng dụng mô hình không gian làm việc chung trong tòa nhà đòi hỏi các chủ tòa nhà phải cân nhắc yếu tố lợi nhuận và văn hóa làm việc.
“Không gian làm việc chung tại Việt Nam đang ở giai đoạn kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh các chuỗi không gian làm việc chung trong và ngoài nước sẽ gia nhập và mở rộng trong thời gian tới. Nhu cầu sử dụng không gian làm việc chung sẽ tiếp tục đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp và người làm việc tự do, cả trong nước và quốc tế, trong khi nhu cầu sẽ gia tăng từ phía các doanh nghiệp nhỏ”, CBRE nhận định.
Regina Lim, Giám đốc bộ phận tư vấn và nghiên cứu, thị trường vốn của Joneslanglasalle dự báo ở Đông Nam Á, đến năm 2030, không gian co-working sẽ tăng từ 10% lên 15% trên tổng nguồn cung văn phòng, so với con số hiện nay chỉ có 1% đến 5%. Điều đó có nghĩa rằng cuộc chiến giành quỹ đất ở các không gian quy mô vừa và nhỏ tại các khu vực trung tâm, các đô thị lớn ở VN như TP HCM, Hà Nôi, Đà Nẵng, sẽ không còn dừng ở mức nhiệt hiện tại, dù nhiệt độ cạnh tranh hiện nay đã rất nóng.