Không đổi tên Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng

Mai Thoa| 19/12/2016 20:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 19/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.

Phối hợp quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức

Theo Tờ trình của TANDTC, hiện nay TANDTC và Bộ Quốc phòng đang thực hiện Quy chế phối hợp theo tinh thần Luật Tổ chức TAND năm 2002 trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian qua đã phát sinh yêu cầu mới và Luật Tổ chức TAND 2014 đã bổ sung nhiều quy định mới về Tòa án quân sự so với luật cũ. Từ đó đòi hỏi phải có những sửa đổi, bổ sung Quy chế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý các Tòa án quân sự trong tình hình mới.

Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức hiện nay; đánh giá về hiệu quả của công tác phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong quản lý các Tòa quân sự thời gian qua; căn cứ Luật Tổ chức TAND năm 2014, TANDTC phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng lại Quy chế phối hợp nhằm bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với các quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Về nội dung tên gọi, Tờ trình đề nghị sửa lại là “Quy chế phối hợp giữa Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa quân sự về mặt tổ chức” thay vì “Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng…” như trước đây. Lý do là các quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 đều xác định rõ các nội dung phối hợp trong công tác quản lý Tòa án quân sự về tổ chức chính là sự phối hợp của hai chủ thể là Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Không đổi tên Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

Về nội dung của Quy chế, Tờ trình nêu rõ, đây là quy định về sự phối hợp, các hình thức phối hợp giữa Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức; Quy định Chánh án TANDTC trao đổi, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định về tổ chức, cán bộ, biên chế, trang phục… của Tòa án quân sự theo quy định; Quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án TANDTC thống nhất với nhau trước khi quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với Tòa án quân sự theo quy định.

Thẩm tra Tờ trình của TANDTC, UBTP tán thành với các quan điểm chỉ đạo và yêu cầu của việc soạn thảo Quy chế. Tuy nhiên, việc ban hành Quy chế này nhằm mục đích cụ thể hóa các quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 về quan hệ phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức, do đó, các nội dung cụ thể của quy chế phải bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật Tổ chức TAND 2014 và các nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật này.

Về tên gọi của Quy chế, UBTP đề nghị TANDTC lấy tên gọi của Quy chế là “Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức” để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật tổ chức TAND 2014.

Giữ nguyên tên gọi Quy chế phối hợp

Thảo luận về vấn đề này, đa số ý kiến của các Ủy viên UBTVQH nhất trí với ý kiến của UBTP là đề nghị giữ nguyên tên như quy chế hiện hành và theo đúng quy định của Luật Tổ chức TAND 2014.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đồng tình và cho rằng, không chỉ theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014 mà theo thông lệ quy chế phối hợp là giữa hai cơ quan, không phải giữa hai người đứng đầu hai cơ quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị giữ nguyên tên gọi của quy chế là sự phối hợp giữa hai cơ quan. Ngoài ra, dự thảo quy chế có thể quy định thêm một điều về trách nhiệm phối hợp giữa hai người đứng đầu hai cơ quan.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đồng tình với đề nghị của TANDTC. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, về cơ cấu, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương là Phó Chánh án TANDTC nên việc ghi rõ quy chế phối hợp giữa Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu là phù hợp. Thực tế, có những vấn đề có thể cần có sự thảo luận, trao đổi của tập thể nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là người đứng đầu. Nếu để quy chế phối hợp giữa hai cơ quan, mỗi cơ quan lại ủy quyền cho một lãnh đạo cấp phó phụ trách, khi có sự cố xảy ra thì việc quy trách nhiệm sẽ lại không đến nơi, đến chốn.

Về vấn đề này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đa số Ủy viên UBTVQH. Theo đó, sẽ giữ nguyên tên gọi là Quy chế phối hợp giữa TANDTC với Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.

Theo Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội Lê Thị Nga, UBTP chỉ xem xét Quy chế phối hợp giữa TANDTC với Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức, nhưng UBTVQH cũng không hạn chế việc hai người đứng đầu của hai cơ quan này có quy chế phối hợp với nhau. Do vậy, ngoài quy chế phối hợp giữa hai cơ quan do UBTVQH quyết định, hai người đứng đầu của hai cơ quan hoàn toàn có thể tự thỏa thuận quy chế phối hợp riêng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đánh giá, từ trước đến nay sự phối hợp giữa hai cơ quan cũng không có gì vướng mắc. Trong Luật Tổ chức TAND 2014 cũng quy định TANDTC chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý về tổ chức, do vậy, tên gọi đề nghị theo đúng quy định của luật.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không đổi tên Quy chế phối hợp giữa TANDTC và Bộ Quốc phòng