Tuyệt đối không thể để các thi sinh bước vào các trường đại học bằng cách chạy điểm, nâng điểm, đó là thể hiện sự ích kỷ, tham lam, cố tình giẫm đạp và tước đi cơ hội của người xứng đáng.
Vụ tiêu cực thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… đến nay đã được điều tra làm rõ, các trường hợp vi phạm đã bị phát hiện và xử lý nghiêm. Nhiều thí sinh buộc phải thôi học do được nâng điểm và những người có liên quan đến việc chạy điểm đang được các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ và có biện pháp xử lý.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, liệu có được diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng với mọi thí sinh hay không?
Dư luận hiện nay đặc biệt quan tâm đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, liệu kỳ thi này có được diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng với mọi thí sinh hay không? Liệu có xảy ra tình trạng trượt oan do những trường hợp chạy điểm, nâng điểm hay không?...Những băn khoăn, lo lắng này cần phải được cơ quan chức năng trả lời để dư luận yên tâm.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những giải pháp rất quyết liệt để đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được diễn ra nghiêm túc, không xảy ra tình trạng chạy điểm, nâng điểm, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp như sắp xếp phòng thi năm 2019; quy định chặt chẽ hơn về khâu in sao, vận chuyển đề thi, bài thi; các trường đại học địa phương sẽ không coi thi tại địa phương mình và quy định rõ cách thức niêm phong túi đựng bài thi và điều chỉnh trong khâu chấm thi…Với những giải pháp như vậy, nếu được triển khai đồng bộ, nghiêm túc thì không thể xảy ra tiêu cực trong quy trình tổ chức thi và chấm thi.
Bên cạnh đó, để bảo công bằng cho những thí sinh học thật, thi thật trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, một trong những giải pháp quan trọng đó là nhà trường cần phải đánh giá đúng năng lực của học sinh ở cấp học THPT. Nếu đánh giá thí sinh có học lực trung bình thì không có chuyện điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia lại cao bất thường. Nếu thí sinh đó có điểm thi cao bất thường thì cần phải kiểm tra, chấm lại bài thi để đảm bảo tính khách quan, chính xác.
Tất nhiên, trong một kỳ thi nếu một học sinh có học lực trung bình nhưng lại có điểm thi cao bất thường thì không phải trường hợp nào cũng quy kết là chạy điểm, nâng điểm mà có thể là do thí sinh đó ôn thi trúng tủ hoặc có thể giám thị coi thi chưa chặt chẽ dẫn thí sinh copy, coi tài liệu hoặc nhận sự trợ giúp từ các thiết bị điện tử được mang trái phép vào phòng thi…Đối với các trường hợp này rất khó có thể xử lý theo hướng hủy kết quả thi.
Ngăn chặn tiêu cực trong thi cử cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng Hội đồng thi, trách nhiệm của từng giám thị coi thi và ý thức của phụ huynh, học sinh đối với một kỳ thi. Đồng thời, cần phải có chế tài thật mạnh để xử lý đối với các thí sinh vi phạm quy chế, thậm chí “bêu” tên những phụ huynh chạy điểm và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ, công chức có hành vi can thiệp, nâng điểm cho thí sinh.
Ngoài ra, cần phát huy trách nhiệm của người dân trong việc phản ánh các sai phạm diễn ra trong kỳ thi, kịp thời xử lý thông tin và ngăn chặn ngay các hành vi vi phạm, không để xảy ra các hành vi tiêu cực, để các thí sinh cạnh tranh một cách công bằng; sao cho kết quả thi phải phản ánh khách quan, chính xác về năng lực thực sự của từng thí sinh. Để những thí sinh học thật, thi thật xứng đáng được bước vào các trường đại học bằng năng lực và khát vọng chính đáng của mình, sau này sẽ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Tuyệt đối, không thể để các thi sinh bước vào các trường đại học bằng cách chạy điểm, nâng điểm, đó là thể hiện sự ích kỷ, tham lam, cố tình giẫm đạp và tước đi cơ hội của người xứng đáng.