Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung trên tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Thủ tướng chúc mừng các cựu chiến binh tại Lễ kỷ niệm
Sáng 3/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989-6/12/2019) và Đại hội thi đua yêu nước cựu chiến binh lần thứ VI.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và hơn 500 đại biểu điển hình tiên tiến, xuất sắc, đại diện cho gần 3 triệu hội viên cựu chiến binh cả nước đã dự buổi lễ.
Đây là sự kiện quan trọng đối với các thế hệ cựu chiến binh Việt Nam, được tổ chức vào đúng dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Phong trào thi đua phát triển nhưng chưa đồng đều
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, làm tốt vai trò đại diện cho ý chí và quyền lợi của các cựu chiến binh, xây dựng nên truyền thống vẻ vang “Trung thành, Đoàn kết, Gương mẫu, Đổi mới”.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các cựu chiến binh luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu trong mọi hoạt động, kiên quyết đấu tranh chống diễn biến hòa bình và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tích cực chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo vệ chế độ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Rất nhiều cựu chiến binh đã tham gia các chương trình phát triển kinh tế, các hoạt động xã hội, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng, trở thành những doanh nhân thành đạt. Nhiều doanh nhân là cựu chiến binh được trao tặng danh hiệu doanh nhân tiêu biểu, doanh nhân tâm tài, doanh nhân văn hóa, đạt các giải thưởng Sao vàng Đất Việt, cúp vàng thương hiệu…
“Các đồng chí luôn là những tấm gương sáng về giáo dục lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về ý chí và nghị lực phấn đấu, vươn lên cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo”, Thủ tướng nói.
Chúc mừng, biểu dương 585 đại biểu điển hình tiên tiến dự Đại hội thi đua hôm nay, Thủ tướng cho rằng, Hội nghị đã triển khai hiệu quả phong trào thi đua doanh nhân cựu chiến binh gương mẫu, sản xuất kinh doanh giỏi, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, nhất là các phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hằng năm, các thành viên Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động xã hội từ thiện như trao nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đồng đội và nhà tặng hộ nghèo tại nhiều vùng miền trong cả nước.
Qua các phong trào thi đua của Hội xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều mô hình và nhân tố mới trên nhiều lĩnh vực, được nhân rộng, có sức lan tỏa trong cả nước.
Theo Thủ tướng, các phong trào thi đua của Hội Cựu chiến binh tuy đã phát triển sâu rộng nhưng vẫn chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực. Một số phong trào chưa huy động hết sức mạnh, khai thác hết tiềm năng của cấp hội và hội viên. Công tác sơ kết, tổng kết có nơi chưa được coi trọng đúng mức, đối tượng khen thưởng là những cán bộ hội viên ở cấp cơ sở chưa nhiều. Chúng ta cần đánh giá rút kinh nghiệm và có biện pháp tích cực khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Từng Cựu chiến binh phải là nhân tố tích cực trong xã hội
Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam nói chung và các nội dung thi đua trong thời gian tới nói riêng, Thủ tướng nhấn mạnh và gợi mở một số vấn đề. Trước hết, đổi mới mạnh mẽ nội dung phương thức nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Là một đoàn thể của những người đã từng chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành trong khói lửa kháng chiến, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội cựu chiến binh Việt Nam phải luôn vững mạnh, tiêu biểu cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng của Nhà nước và của nhân dân. Mỗi cán bộ hội viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gương mẫu chấp hành và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và gia đình thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Các cựu chiến binh tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động ngăn chặn, đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động và âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, chủ động phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cựu chiến binh; phối hợp với các đoàn thể xã hội vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giải quyết các mâu thuẫn xã hội ngay từ địa phương, ngay từ cơ sở; không để cựu chiến binh bị lôi kéo, xúi giục tham gia các vụ khiếu kiện đông người, tụ tập biểu tình trái phép.
Các cấp hội cần phối hợp chặt chẽ với các cấp MTTQ Việt Nam, các đoàn thể thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy chế, quy định của Đảng về nêu gương, giám sát và phản biện xã hội, nhất là quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền liêm chính, hiệu lực, hiệu quả. Chủ động tham gia thực hiện tốt chế độ chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và cựu chiến binh; nêu gương, vận động, động viên các cựu quân nhân tham gia các câu lạc bộ, ban liên lạc cựu quân nhân; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phong trào thi đua ở cơ sở.
Tiếp tục phát động và thực hiện rộng rãi các phong trào thi đua hướng tới hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Hội. Các cấp hội chủ trì cần tăng cường chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, làm cho phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” thực sự là một phong trào rộng khắp, tạo động lực để mỗi cán bộ, mỗi hội viên và gia đình vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Gắn phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội với các phong trào, các cuộc vận động của các địa phương và cả nước, nhất là phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời cần thường xuyên quan tâm động viên cán bộ hội viên đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình hội viên hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo mà hội đã đề ra.
Từng hội viên không chỉ là trụ cột của gia đình mà còn phải là nhân tố tích cực trong cộng đồng, trong xã hội. Chú ý kiểm tra, đánh giá tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với tập thể và cá nhân lập được nhiều thành tích trong phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm cổ vũ, động viên, khích lệ, tạo sự lan tỏa phong trào thi đua, công tác khen thưởng phải kịp thời, đúng người, đúng việc, quan tâm làm tốt hơn việc khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến ở cơ sở, nhất là ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng khẳng định, Nhà nước và MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ để Hội Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ quan trọng của mình trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội Cựu chiến binh Việt Nam.