Không dạy còn hơn

Bảo Dân| 28/09/2016 10:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ít có ngành nào mà các quy định liên quan đến cả triệu người từ con trẻ đến phụ huynh lại thay đổi xoành xoạch như ngành giáo dục.

Ông Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ luôn quả quyết rằng ngành ông không biến học trò thành chuột bạch với các thí nghiệm, thí điểm về cải cách nhưng trên thực tế Bộ GD&ĐT luôn đề xuất hết thí điểm này đến thí điểm khác. Cụ thể, cuộc thí điểm VNEN – mô hình giáo dục mới coi như thất bại toàn tập bây giờ lại có thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3. Lại thí điểm!  Nhiều chủ trương cứ như đèn cù chạy vòng quanh như thi chung rồi thi riêng, tự luận và trắc nghiệm.

Báo chí đưa tin Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định cho phép Đại học Hà Tĩnh được mở các khoa mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Vậy là “liên thông” một mạch từ mẫu giáo lên tiến sĩ. Các bậc phụ huynh vô tư đi khỏi lo chọn trường, chuyển trường và chạy trường...

Việc mở trường phổ thông trong trường đại học không mới. Ta đã có các trường phổ thông chuyên ở nhiều đại học khá thành công chí ít là trong việc “vỗ” học sinh giỏi đi thi quốc tế.Tuy nhiên mở toàn bộ hệ thống giáo dục từ mầm non, phổ thông, đại học và trên đại học  trong một trường như Hà Tĩnh là chưa có mô hình nào. Và nếu có cũng phải chờ một phần tư thế kỷ nữa mới có thể đánh giá hiệu quả.

Không dạy còn hơn

Nhiều chủ trương của giáo dục cứ như đèn cù chạy quanh

Việc thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3  khởi đầu cho việc dạy 2 ngoại ngữ này trong 10 năm làm người ta ngờ rằng việc này nhằm giải ngân cho Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 trị giá 9400 tỷ đồng, hiện vẫn còn nhiều kinh phí.

Dẫu sao, mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông là đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam. Trọng tâm của Đề án là giai đoạn 2016 - 2020 với nhiệm vụ triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên cả nước, từ lớp 3 đến lớp 12; tăng cường tiếng Anh trong tất cả trường nghề, cao đẳng và đại học.

Đến nay, đề án tiêu tốn quá nửa số tiền khổng lồ nhưng việc học và hành ngoại ngữ ra sao, xin kể chuyện nhà để suy ra việc học ngoại ngữ ắt thấy kết quả  chưa như mục tiêu kế hoạch.

Làm một cuôc khảo sát mini mới biết, năm nay cả nước có khoảng 1,6 triệu học sinh tiểu học trong tổng số gần 7,8 triệu học sinh được học tiếng Anh 4 tiết/tuần, chiếm khoảng 20%. Số còn lại chỉ học có 2 tiết một tuần. Một tuần học có 2 tiết thì đến thần đồng như Đỗ Nhật Nam cũng chào thua.

Đây mới nói chuyện giờ học, Còn việc ai dạy thì sao? Đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đang thiếu trầm trọng. Ở cấp THCS hiện chỉ có hơn 33% đạt chuẩn và cấp THPT lại chỉ có 26%. Thầy chưa ra thầy thì làm sao dạy ra dạy, làm sao có trò giỏi. Đi về địa phương còn buồn hơn. Như ở Cao Bằng, cả tỉnh chỉ có 86 giáo viên tiếng Anh trong khi có 275 trường. Các tỉnh như Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Kon Tum, Khánh Hòa... đều thiếu giáo viên tiếng Anh.

Hẳn vì thế, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận xét chất lượng đề án còn thấp, đặc biệt là tiếng Anh. Ông nhấn mạnh, dạy và học ngoại ngữ mà chưa chuẩn thì thà không dạy còn hơn.

Các chuyên gia giáo dục thẳng thắn chỉ ra bất cập trong công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên để đạt chuẩn. Ở Quảng Ngãi dù có 80% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn, nhưng qua khảo sát năng lực chuyên môn thì thấy còn rất yếu ở cả 4 kỹ năng đọc nghe nói viết. Việc đạt chuẩn không  phản ánh đúng thực chất của việc dạy và hoc ngoại ngữ hiện nay.  Câu hỏi Con tôi học ngoại ngữ vậy có dùng được không, tưởng dễ mà thật khó trả lời nên rất nhiều cán bộ giáo dục  né tránh câu trả lời.

Năm 2007, ông Lý Quang Diệu khi thăm Việt Nam  đã nói rằng, nếu tất cả sinh viên Việt Nam ra trường không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu. Và đến nay chúng ta vẫn loay hoay với dạy và học tiếng Anh, rối bời sự học và vẫn tụt hậu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không dạy còn hơn