Một thiết bị nhỏ, bỏ túi có thể giúp bạn phát âm tiếng Anh chính xác hơn, phát hiện và chỉnh sửa những lỗi sai ngữ pháp. Đặc biệt, thiết bị này bạn có thể sử dụng mọi nơi, mọi lúc mà không cần mạng Internet. Đó là những gợi ý mà PV chúng muốn nhắc đến với bạn về chiếc máy quét ngữ pháp.
Thời đại toàn cầu hoá hiện nay, tiếng Anh là một công cụ “không thể thiếu” để các bạn trẻ tiếp cận nguồn tri thức của nhân loại hay thiết thực hơn khi có ngoại ngữ bạn tự tin tìm cho mình một công việc như mong muốn.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay vốn ngoại ngữ của học sinh Việt Nam đang rất hạn chế, nhiều bạn gần như “mất gốc” môn tiếng Anh ngay từ khi còn học THPT.
Thấu hiểu những khó khăn của nhiều người đặc biệt là học sinh, sinh viên khi học tiếng Anh, chàng trai sinh năm năm 2000 Nguyễn Đức Huy (sinh viên Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên) đã nảy ra ý tưởng và nghiên cứu ra thiết bị hỗ trợ học tập tiếng Anh.
Và không chỉ dừng lại ở suy nghĩ, ý tưởng sáng tạo về chiếc máy quét ngữ pháp đó đã được Đức Huy và một nhóm sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên sáng chế.
Máy quét ngữ pháp Tiếng Anh (EGS) áp dụng tính năng nhận dạng ký tự quang học (OCR) để chuyển các hình ảnh của chữ viết tay hoặc chữ đánh máy (thường được quét bằng máy scanner) thành các văn bản tài liệu, dùng thiết bị được thu nhỏ lại trong máy để chỉnh sửa lỗi sai ngữ pháp.
Máy có khả năng quét văn bản rồi truyền tải đến AI (trí tuệ nhân tạo) để phân tích cách phát âm và truyền đến loa, giúp cho người sử dụng có thể nghe và đọc theo, từ đó quen với tiếng Anh hơn, đọc đúng trọng âm, phát âm chuẩn.
Đồng thời, máy có thể quét được 3000 ký tự mỗi phút với kích thước 6-28pt, tương đương với 1-2s để scan một dòng thông thường. Nếu sửa ngữ pháp của bài văn hay đoạn văn dài, ta chỉ mất vài chục giây để quét lên để nhận diện thay vì phải tốn khá nhiều thời gian để đánh lại ký tự kiểm tra trên các phần mềm ngữ pháp, website trên mạng.
Đặc biệt hơn, thiết bị không cần Internet để kiểm tra ngữ pháp, thiết kế nhỏ gọn dễ mang đi nên rất phù hợp ở những nơi điều kiện mạng chưa đảm bảo, mạng 3G và 4G còn hạn chế, không ổn định như vùng sâu vùng xa, khu vực hải đảo…
Hiện tại, do một số khó khăn về mặt kỹ thuật và hạn chế về kinh phí nên Đức Huy vẫn chưa thể có bản thử nghiệm thực tế của sản phẩm. Huy mong muốn sau khi tham dự cuộc thi này sản phẩm của nhóm sẽ có được nhà đầu tư quan tâm, có cơ sở vật chất đảm bảo việc chế tạo, lắp ráp và cung cấp máy rộng rãi trên thị trường, bởi “EGS sẽ là một thiết bị hot trên thị trường các sản phẩm hỗ trợ giáo dục giúp nâng cao trình độ tiếng Anh, mang đến cơ hội trong phát triển công việc, sự nghiệp và hội nhập quốc tế”. Tuy nhiên theo đánh giá, sản phẩm hứa hẹn sẽ là một công cụ hữu hiệu hỗ trợ bạn phát triển kỹ năng nói và viết tiếng Anh trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Máy quét ngữ pháp Tiếng Anh – English Grammar Scanner “EGS” của Nguyễn Đức Huy, sinh viên Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên, ý tưởng sáng tạo tham gia cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Cuộc thi nhằm tạo môi trường cho các tri thức trẻ góp phần đổi mới giáo dục, đào tạo ở 3 nhóm nội dung: đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.