Một trong các biện pháp giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH của các DN là khởi kiện ra Tòa án...
Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi (có hiệu lực thi hành 1/1/2016), cơ quan BHXH không còn thẩm quyền khởi kiện đòi BHXH nữa mà quyền này được chuyển cho công đoàn thực hiện.
Thời gian thực hiện quy định này mới hơn 1 năm, tuy nhiên, một số địa phương phản ánh, trong quá trình khởi kiện theo quy định mới đã gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Phát biểu với báo chí, ông Lê Xuân Hải, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa cho biết, cuối tháng 12/2016, cơ quan này khởi kiện 5 DN nợ 38,4 tỉ đồng tiền BHXH. Đầu tháng 1/2017, TAND tỉnh yêu cầu LĐLĐ tỉnh bổ sung các điều kiện khởi kiện các DN trên. Đó là phải cung cấp văn bản ủy quyền của tập thể lao động hoặc công đoàn cơ sở. Phải chứng minh có tranh chấp về BHXH giữa người lao động với người sử dụng lao động, giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Phải có quyết định giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch UBND mà tập thể người lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch UBND không giải quyết theo quy định. Ông Hải cho rằng LĐLĐ không thể nào đáp ứng được các thủ tục đó, do quá thời hạn nên tòa đã trả lại đơn khởi kiện.
Công nhân ngành may tại Nghệ An. Ảnh: TRẦN TUẤN/LĐO
Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc BHXH TP. HCM, cho biết khi chưa có quy định chuyển quyền khởi kiện đòi BHXH cho công đoàn thì BHXH TP khởi kiện mỗi năm hơn 2.000 DN, số nợ đòi được đạt khoảng 65%. Từ khi chuyển quyền khởi kiện về công đoàn thì chưa có một DN nào bị khởi kiện khiến tình trạng nợ đọng BHXH tiếp tục kéo dài.
Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP. HCM cho rằng, quy định phải có ủy quyền của người lao động mới thụ lý, gây khó khăn cho việc khởi kiện…
Trên thực tế, việc Tòa án yêu cầu các thủ tục nêu trên là đúng quy định của pháp luật. Vấn đề ở chỗ, một quy định mới của pháp luật đi vào cuộc sống có thể sẽ nảy sinh những vướng mắc cần được tháo gỡ. Tại một hội nghị về BHXH gần đây, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý, hiện nay LĐLĐ các địa phương chưa khởi kiện nhưng đã sợ khó khăn, vướng mắc. “Trước mắt, tôi yêu cầu LĐLĐ các tỉnh mạnh dạn chuyển hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp lên Tòa án cấp tỉnh, huyện. Nếu vướng ở đâu thì các địa phương báo lên Tổng LĐLĐ Việt Nam để có đơn kiến nghị TANDTC xây dựng hướng dẫn khởi kiện đúng trình tự pháp luật”- ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.
Ông Mai Đức Chính cũng cho rằng, ngoài 15 địa phương được giao thí điểm thực hiện khởi kiện, các địa phương còn lại cũng chủ động xây dựng hồ sơ khởi kiện. LĐLĐ các tỉnh, thành phố không nên chờ công đoàn cơ sở ủy quyền mà nên chủ động khởi kiện. “Chúng ta phải tiến hành khởi kiện mới biết được vướng mắc ở đâu. Trong khi thành phố Đã Nẵng đã tiến hành khởi kiện thẳng ra Tòa án và không gặp bất cứ khó khăn về thủ tục, các tỉnh chưa làm mà đã kêu vướng,” ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.
Hy vọng, với sự mạnh dạn của các địa phương cùng với hướng dẫn của cơ quan chức năng, việc khởi kiện hứa hẹn sẽ tạo nên những tín hiệu tích cực trong việc thu hồi nợ BHXH, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.