Khoán xe công để góp phần sử dụng nguồn ngân sách hợp lý

Ngọc Mai| 11/11/2015 17:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 vừa được Quốc hội thông qua. Đáng chú ý, Nghị quyết có nêu rõ sẽ từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh.

Khoán xe công để góp phần sử dụng nguồn ngân sách hợp lý

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đặt trong bối cảnh ngân sách khó khăn, cần tiết giảm những khoản chi không cần thiết và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước thì việc khoán xe công có ý nghĩa lớn để góp phần sử dụng nguồn ngân sách hợp lý.

Cụ thể hơn về vấn đề này, Ông Phùng Quốc Hiển đã có những chia sẻ thẳng thắn với báo chí. Theo ông Phùng Quốc Hiển: Việc khoán xe công đã được bàn đến nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên Quốc hội đưa vào Nghị quyết. Tuy nhiên, do phải rất thận trọng tính toán kỹ nên đã đưa vào một câu trong Nghị quyết là “từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh”. Như vậy, chúng ta phải có lộ trình thực hiện.

"Theo tôi, cần phải loại ra các xe công mang tính chất phục vụ công cộng như công an, quân đội, cứu thương… không thể thực hiện khoán được vì mang tính chất phục vụ cho cộng đồng dân cư".

Ông Phùng Quốc Hiển liên hệ cụ thể: "Trong một tỉnh chỉ có 3 chức danh, một Bộ chỉ có một số thứ trưởng, một số tổng cục trưởng loại 1 mới được đi xe, còn lại các đối tượng khác không nhiều. Hơn nữa, chi phí xe công chủ yếu là ở chi phục vụ, còn theo chức danh thì không nhiều lắm. Tuy nhiên, việc thực hiện khoán là để các đồng chí lãnh đạo góp phần vào việc thực hành tiết kiệm, là tấm gương cho chúng ta tổ chức tốt tiết kiệm chi phí, góp phần sử dụng nguồn ngân sách hợp lý", ông Hiển nói.

Về tính khả thi việc thực hiện khoán xe công ông Phùng Quốc Hiển khẳng định: Sẽ phải có sự giám sát của Quốc hội và Chính phủ sẽ thực hiện vì bản thân Chính phủ đã có đề án này. Dù đã bàn chuyện khoán xe công nhiều lần nhưng khi Quốc hội đưa nội dung này vào Nghị quyết thì chắc chắn Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện. Đặc biệt, trong thời gian này, Chính phủ cũng như Quốc hội đã xác định phải cơ cấu lại thu chi, nhất là khi chi thường xuyên vừa qua tăng nhanh.

Lý giải về việc chưa có nhiều cá nhân đi đầu thực hiện việc khoán xe công, Ông Phùng Quốc Hiển phân tích: "Chúng ta phải hiểu câu chuyện vì sao cần có xe công. Có những chức danh mà khi làm việc yêu cầu phải có xe. Một là do khối lượng công việc cần sử dụng, hai là vì an toàn. Số lượng người có chức danh cần sử dụng xe công không nhiều, nhưng nếu quy định đồng loạt thành chính sách chung, thì đương nhiên mọi người sẽ phải thực hiện.

Còn bây giờ, nếu để tự xung phong thì sẽ có chuyện như cùng là Thứ trưởng, nhưng có người đi xe công, có người đi xe ôm hoặc taxi… về cảm quan sẽ không được đẹp mắt. Còn nếu là đồng loạt áp dụng, thì sẽ không còn sự khác biệt gì. Vì vậy, chúng ta nên đưa quy định tiêu chuẩn áp dụng, đã khoán là như nhau theo luật pháp".

Ở một góc độ khác liên quan đến vấn đề khoán xe công, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ băn khoăn: Khi được khoán xe, yếu tố an toàn và đúng giờ có như sử dụng xe nhà nước hay không. Khoán xe, có thể là tự lái hoặc thuê taxi hoặc dùng các biện pháp khác. Theo quy định khoán xe của Văn phòng Quốc hội hiện nay, việc đi từ nhà đến cơ quan thì rõ, nhưng còn việc đi công tác, đi họp hành trong nội thành tự đảm nhiệm, khi ra vào cửa cơ quan như thế nào. Điều này là khó khăn chứ không thuận lợi như xe biển xanh.

Vị đại biểu này cũng đưa ra một thực tế: "Tôi cũng thấy một số đồng nghiệp phản ánh, có người không có điều kiện như không có xe riêng, hoặc chưa có bằng lái nếu dùng tiền khoán xe để đi taxi thì không đủ. Tôi nghĩ đó là những khó khăn mà các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu".

Từ đó, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, việc khoán xe công nên có lộ trình, có thời gian để khuyến khích, chưa nên áp dụng bắt buộc ngay. "Tôi cũng có 2 điểm lưu ý, thứ nhất là mức khoán. Thứ 2 chỉ khoán đưa đón hằng ngày, còn đi làm việc, đi công tác chưa tính. Như vậy sẽ đảm bảo hơn", ông Hùng nói. 

Theo báo cáo của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cả nước hiện có gần 40.000 xe ô tô công (chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp nhà nước). Trong đó, chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng/năm và ước tính mỗi năm Nhà nước phải chi gần 13.000 tỉ đồng cho gần 40.000 chiếc xe ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoán xe công để góp phần sử dụng nguồn ngân sách hợp lý