Như chúng tôi đã thông tin, ông Thân Đức Hòa, Tổng Giám đốc Công ty ELE Việt Nam, quá bất ngờ khi mã số ID của ông được cấp hợp pháp từ năm 2011 trở thành nhà phân phối thời kỳ đầu tiên bỗng dưng bị khóa bởi Công ty TNHH BHIP.
Dù không còn xa lạ đối với thị trường Việt Nam, song bán hàng đa cấp vẫn còn là mới mẻ trong kinh nghiệm quản lý kinh tế của nhà nước và trong khoa học pháp lý. Việc ban hành Luật Cạnh tranh năm 2004, Nghị định 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp và Thông tư số 19/2005/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 8/11/2005 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 110/2005/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định 42/2014/NĐ-CP đã khẳng định thái độ của Nhà nước ta là thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, việc quản lý bán hàng đa cấp mà Việt Nam tham khảo từ các quốc gia khác và những nhận thức từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về bản chất kinh tế - pháp lý của hoạt động này chưa thực sự đầy đủ nên còn tồn tại nhiều lúng túng trong việc xây dựng và áp dụng luật.
Trở lại diễn biến của vụ việc của ông Thân Đức Hòa, ông tham gia hợp đồng phân phối ngày 11/3/2011 với Công ty TNHH BHIP (BHIP Việt Nam) do bà Đỗ Hồng Quyên là đại diện pháp luật và ông Nguyễn Hữu Cường (chồng bà Quyên) - Giám đốc phát triển kinh doanh. Công ty này mới nghe thì tưởng là công ty của Mỹ nhưng thực tế do người Việt Nam đứng tên làm chủ. Chỉ sau thời gian 3 năm, hệ thống bán hàng (mạng lưới) do ông Thân Đức Hòa xây dựng và lãnh đạo đã phát triển ổn định với trên 5.000 đại lý trên toàn quốc. Tuy nhiên, mạng lưới này hiện nay đang bị hạn chế bất hợp pháp quyền phát triển dẫn đến nhiều ách tắc, khó khăn và thậm chí có khả năng bị BHIP thay đổi, điều chuyển sang hệ thống khác nhằm trục lợi bất chính.
Hàng loạt đơn thư khiếu nại của ông Thân Đức Hòa
Cụ thể, từ tháng 1/2014 đến nay, Công ty BHIP đã khóa mã ID của ông Thân Đức Hòa và không thanh toán đầy đủ tiền hoa hồng từ tháng 3/2014. BHIP Việt Nam cho rằng đã tất toán các khoản phát sinh từ mã số ID của ông Thân Đức Hòa cho tới ngày 18/3/2041 trở về trước; đồng thời khóa vĩnh viễn ID là tài sản hợp pháp của ông mà không có một thông báo cụ thể nào bằng văn bản. Trên thực tế, tổng tài sản công dân mà ông Hòa gây dựng sau 3 năm mới có được đã bị BHIP hạn chế và giữ không lý do. Tài sản đó bao gồm: hoa hồng/tiền thưởng/lợi ích kinh tế lên đến gần 1 tỷ đồng và quyền phát triển mạng lưới phân phối hơn 5.000 đại lý trên toàn quốc (sau ngày 18/3/2014 đến nay không được BHIP đề cập và có nguy cơ bị mất trắng).
Ở vụ việc này, thiết nghĩ việc tự ý khóa mã số ID không cho hoạt động, không chi trả đầy đủ khoản thanh toán mà không hề thông báo trước cho người tham gia của BHIP là một hành động thiếu văn hóa. Hành động này làm suy giảm niềm tin của những người tham gia bán hàng đa cấp vào các doanh nghiệp trong ngành này (hiện nay con số người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam lên đến hơn 1,4 triệu người). Hơn nữa, theo Luật sư Bùi Quốc Đạt, Công ty Luật TNHH Thế Lực Mới, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Thân Đức Hòa khẳng định: Tại mục 1 chương I Nghị định số 42/2014/NĐ-CP có nêu những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: Khoản d “Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào”. Khoản e “Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng”.
Ngày 15/8/2014, sau nhiều lần gửi yêu cầu mở mã số ID (tài sản hợp pháp của NPP) không được BHIP thực hiện, ông Thân Đức Hòa đã gửi hồ sơ khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) Bộ Công thương để được hỗ trợ giải quyết. Thế nhưng sau một thời gian xem xét, ngày 2/12/2014, Cục Quản lý cạnh tranh có Thông báo số 216/TB-QLCT cho rằng ông Hòa chưa cung cấp được chứng cứ chứng minh khiếu nại. Tuy vậy, theo luật sư đại diện của ông Hòa thì chỉ cần phía Cục yêu cầu Công ty BHIP mở mã số ID là có thể phát hiện ra số tiền hoa hồng mà Công ty này đã giữ hay có dấu hiệu chiếm đoạt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay chưa có một tổ chức hay cơ quan nào chuyên bảo vệ quyền lợi người tham gia bán hàng đa cấp, ngoại trừ Cục Quản lý cạnh tranh.
Thật chua xót cho nhà phân phối kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm bán hàng đa cấp sau nhiều năm nỗ lực phát triển, tạo thị trường cũng như xây dựng đội ngũ bán hàng lên đến hàng nghìn đại lý đã bị khóa ID vô tội vạ, tước quyền truy cập ID trái phép. Thực tế, ông Hòa đã bị chiếm dụng ID, hoa hồng, các lợi ích kinh tế phát sinh, kể cả có nguy cơ mất đi cả mạng lưới đại lý nhà phân phối cấp dưới -tài sản duy nhất của người tham gia. Những hành vi nêu trên của doanh nghiệp khiến cho nhà phân phối không thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bởi lẽ, mọi hoạt động bao gồm cả việc quản lý công việc kinh doanh, giám sát tài khoản hoa hồng của người đó đều bị xâm phạm thông qua một thủ thuật duy nhất: Khóa ID. Vậy chế tài nào để xử lý doanh nghiệp xâm hại người bán hàng đa cấp?