Cái án và cách xử trọng tài Hà Anh Chiến là một việc chưa từng có tiền lệ của bóng đá Việt Nam và cả thế giới.
Nếu như lúc ban đầu dư luận đều dễ dàng chia sẻ với nhau về sai sót trong nhận định của trọng tài Chiến khi cho chủ nhà FLC Thanh Hóa được hưởng quả penalty khi đá trên sân nhà với SLNA ở vòng 9 V-League 2016, thì giờ đây sẽ không dễ dàng đạt được sự đồng thuận nữa.
Thứ nhất, ngay trong Hội đồng trọng tài dù cho có đạt được kết quả đa số đồng ý loại vĩnh viễn trọng tài Chiến khỏi hai giải bóng đá hàng đầu Việt Nam là V-League và Hạng Nhất thì cũng vẫn có ủy viên trong hội đồng ấy chỉ chọn một cái án phạt nhẹ hơn với thời hạn là một năm.
Nếu chỉ vì một lỗi nhận định (chưa ai khẳng định đó là do tư tưởng) thì chưa từng có trọng tài nào (dù Việt Nam hay quốc tế) phải nhận một cái án "vĩnh viễn" như thế. Không phải không có lý khi cái án dự định ban đầu là treo còi đến hết lượt đi.
Dư âm trận đấu FLC Thanh Hóa - SLNA ngày 8/5 còn kéo dài xung quanh sai lầm của trọng tài Hà Anh Chiến
Thứ hai, và quan trọng hơn, là chưa khi nào có một trọng tài lại bị xử công khai như thế. Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi và cả Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng đều không ngần ngại phát biểu, không ngần ngại công bố cái án, dù cho một cái án treo còi (cũng như treo giò) phải là việc của Ban Kỷ luật, nơi mà xưa nay ông Trưởng ban ấy thường nói là "án tại hồ sơ".
Thường thì án xử trọng tài khó lòng công chúng được biết. Ai phải làm trọng tài bàn, ai phải xuống hạng Nhất bắt, ai phải ngồi nhà và bao nhiêu tuần phải dò la, hoặc sau một thời gian phải tự thống kê qua danh sách trọng tài phân công các giải, các vòng mới biết. Hội đồng trọng tài và Ban tổ chức thường lấy lý do là án xử trọng tài theo FIFA là phải kín, không thể công khai.
Chẳng hạn, chúng ta chưa biết số phận trọng tài Nguyễn Trung Kiên và Đặng Quốc Dũng thế nào, họ có thực bị xử lý hay không sau khi cả hai cùng bị đội bóng Đồng Nai đề cập tới như là nguyên nhân khiến họ thua Huế 1-2 (một pha phạm lỗi ngoài vòng cấm cũng thành penalty) và trận hòa dậy sóng với Phú Yên 1-1 (một quả phạt sát vòng cấm tưởng tượng).
Nhiều khi cái luật IM LẶNG trong công tác trọng tài làm dư luận "điên" tới mức cho rằng trọng tài được bao che, bảo kê. Mới đây, nó được củng cố bởi một thông báo yêu cầu các HLV không được chỉ trích trọng tài trong các cuộc họp báo sau trận đấu.
Trưởng BTC từng bị "xử" vì bình phẩm trọng tài
Cách đây 3 năm, Trưởng BTC giải Trần Duy Ly đã bị khiển trách vì công khai đánh giá về công tác trọng tài, cho rằng trọng tài sai vì đã công nhận bàn thắng trận Thanh Hóa gặp XMXT Sài Gòn ở V-League 2013. Khoản 13 Điều 35 Quy chế bóng đá Chuyên nghiệp ghi: "Thành viên trong Ban tổ chức giải không được phép tiết lộ tin tức hoặc phát biểu mang tính cá nhân nhận định về vụ việc vi phạm của tất cả các thành viên tham dự giải hoặc trận đấu".
Thực ra, việc xử kín trọng tài và cấm HLV bình phẩm trọng tài cũng là điều mà FIFA và các giải VĐQG hàng đầu áp dụng. Vì trọng tài cầm còi và cầm cờ chỉ là nghề tay trái mà họ đa phần có nghề khác. Họ đôi khi là giáo viên (như Phùng Đình Dũng), cán bộ quản lý ở các cơ quan khác nhau, hoặc ở nước ngoài đôi khi là nha sĩ và cả cảnh sát. Xử lý kỷ luật một trọng tài vì lỗi chuyên môn vì thế có thể gây nên những hệ lụy khôn lường.
Vậy thì tại sao lần này mọi nguyên tắc lại bị phá bỏ một cách dễ dàng và có tổ chức như thế? Trước tiên, dư luận có thích cái cách xử công khai và hạ thẳng tay như thế không? Có lẽ là có, vì với những người xem bóng đá không rành các luật định, quy trình xử lý thì cứ sai là xử họ ủng hộ. Xét ở góc độ này, xử lý khủng hoảng truyền thông của VPF là thành công. Và để công tác trọng tài tốt hơn cũng là một mục đích tốt.
Nhưng, quy định và quy trình thì vẫn phải giữ, nhất là khi làm theo đúng quy trình thì vẫn có thể củng cố được công tác trọng tài. Và để xử lý khủng hoảng truyền thông mà không cần đếm xỉa tới hệ lụy của trọng tài Chiến hiện đang là cán bộ ở Trung tâm TDTT Thanh Trì (Hà Nội) thì lại khác. Thậm chí, các CLB có quyền suy luận, phải chăng BTC đang hướng dư luận rằng cái sai của trọng tài là hoàn toàn do các CLB tác động, và như thế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh và thương hiệu của họ.
Xử nặng là cần thiết nhưng xử nặng mà vấn đề vẫn tồn tại từ năm này qua năm khác, thì câu hỏi đặt ra là phải chăng vấn đề nằm ở những người đào tạo, quản lý, điều hành trọng tài?
Trong câu chuyện này, sự bất thường là rất rõ ràng khi đồng loạt Tổng giám đốc VPF, Trưởng Ban tổ chức giải, Trưởng ban Trọng tài cùng đăng đàn “xé luật”, “xé rào”, trái ngược hẳn với cách hành xử của chính các vị này trong những sự vụ tương tự trước đây. Phải chăng, sự bất thường này là nhằm chiều lòng dư luận, chiều lòng một số người nào đó khi thành viên Hội đồng quản trị VPF cũng đồng thời là Chủ tịch CLB SLNA?
Mới đây, HLV Đức Thắng của Sài Gòn FC đã viết trên facebook cá nhân anh rằng: "Trọng tài được gọi là vua thế thì bố của vua quyền to đến cỡ nào nhỉ"? Câu hỏi ấy của Đức Thắng được đưa ra sau khi có sự khác nhau giữa đội bóng với Trưởng ban Trọng tài về nhận định công tác trọng tài sau một trận đấu cũng ở vòng 9 V-League.