Mái trường là nơi để học tập, rèn luyện, nuôi dưỡng và chở che. Cha mẹ đưa con đến trường, không chỉ cho con học được kiến thức mà còn mong con được giáo dục thành người, là nơi an tâm nhất để gửi gắm con trẻ. Thế nhưng....
Những câu chuyện buồn liên tiếp
Một nữ sinh 18 tuổi, với tương lại rạng ngời bỗng bị bỏng cấp độ 3 vì một tai nạn do các bạn học cùng gây ra trong phòng thí nghiệm, nhưng nhà trường lại "im lặng đáng sợ", để một mình em chịu đựng nỗi đau đớn cả thể xác và tinh thần. Trong những tháng ngày bị nỗi đau đớn dày vò, em chỉ nhận được sự vô cảm đến lạnh lùng của những con người gây ra tai nạn cho em.
Một học sinh tiểu học, bị chiếc xe taxi chở cô Hiệu trưởng đi vào sân trường đâm đến gãy chân. Nhưng sự thật hiển nhiên này bỗng dưng lại biến thành “tự chơi ngã trong sân”. Và 100% phiếu khảo sát được các thầy cô giáo ký vào xác nhận "không một chiếc xe nào đi vào trường ngày hôm ấy"…
Cậu bé tiểu học bị đau đớn với nhiều vết khâu từ trên đùi trở xuống. Chân em phải nẹp đinh, từ một đứa trẻ lành lặn trở thành khuyết tật khi tuổi đời em còn quá nhỏ, trong khi những người gây ra vết thương cho em lại tìm cách che giấu sự thật.
Rồi đến hành vi giáo viên mầm non dùng dép, đũa…đánh trẻ, xịt vòi nước lạnh vào cơ thể các cháu bé…đã khiến cho phụ huynh, cộng đồng hoang mang, bất an.
Dường như giờ đây trường học không còn là nơi an toàn đối với học sinh nữa. Quá nhiều cạm bẫy đang bủa vây, từ bên ngoài cổng trường đến ngay cả trong phòng học. Niềm tin – giá trị hun đúc ngay từ trong trường học của mỗi con người dường như ngày càng trở nên xa xỉ.
Niềm tin là thứ quý giá nhất, là động lực thúc đẩy con người phát triển theo hướng tích cực. Khi còn nhỏ thì tin lời ông bà, cha mẹ nói. Lớn lên chút nữa khi được đến trường, lời của thầy cô nhất mực là đúng, thậm chí, cha mẹ còn không đúng bằng cô, bằng thầy.
Có những cô bé, cậu bé bướng bỉnh ở nhà nhưng khi đến trường lại rất ngoan ngoãn và tin tưởng tuyệt đối thầy cô. Đến tuổi trưởng thành nếu như ngay từ tấm bé niềm tin của một con người được xây đắp một cách bền bỉ thì sẽ có niềm tin vào xã hội, niềm tin vào một cuộc sống tươi đẹp hơn.
Đáng buồn thay niềm tin đang ngày càng bị “đánh cắp”, bị “đổi trắng thay đen” ngay cả trong môi trường giáo dục.
Hãy để trường học luôn là nơi an toàn. Nguồn: Internet
Xin hãy trả lại môi trường giáo dục an lành
Đành rằng, những vụ việc trên là do tai nạn, tai nạn luôn luôn có thể xảy ra nhưng điều đáng nói là hành vi bao che, chối bỏ trách nhiệm của những người gây ra tai nạn đó.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như các thầy cô biết hành xử một cách đúng mực, đúng trách nhiệm của mình, người gây ra lỗi phải biết nhận lỗi.
Hằng ngày các cô vẫn dạy học sinh về niềm tin, về lẽ sống cao đẹp, về đạo đức làm người. Tại sao chính các cô lại là người “đánh cắp” đi niềm tin, "đổi trắng thay đen", từ có thành không? Làm đau thêm những vết thương vốn dĩ đã rất đau trên cơ thể con trẻ? Vết thương ấy, liệu có thể lành được không?
Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, liệu cô Hiệu trưởng ngồi trên chiếc xe taxi gây tai nạn có bị đình chỉ chức vụ? Liệu trường THPT Phan Đình Phùng có lập Hội đồng kỷ luật để kỷ luật giáo viên và học sinh gây ra tai nạn cho nữ sinh kia? Và liệu trường Mầm non Sen Vàng, nơi cô giáo dùng dép đánh trẻ có bị giải thể?…
Tất nhiên, dư luận lên tiếng không phải để cho một cá nhân ai đó bị kỷ luật mới “hả dạ” mà dư luận chỉ đòi lại sự công bằng, đòi lại niềm tin. Xin hãy trả lại môi trường giáo dục trong lành và an toàn, trả lại mái trường tràn đầy tình yêu thương như mái ấm gia đình và hình ảnh “cô giáo như mẹ hiền”…, để cả một thế hệ tương lai được nuôi dưỡng trong niềm tin và biết sống có trách nhiệm.
Bài học thực tế từ hành vi của người lớn là bài học quý giá nhất mà không có giáo trình nào có thể giảng dạy được để ươm mầm đạo đức cho các thế hệ học sinh.