Chế độ của ta là chế độ dân chủ, nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được hiện thực hóa bởi mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo - phục vụ nhân dân mà chúng ta có thể cảm nhận rất rõ tinh thần ấy qua nhiều hành động và lời nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như các thành viên Chính phủ.
Đối diện thực tế, thay đổi mạnh mẽ
Mỗi nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ đều gắn với bối cảnh riêng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đắc cử với số phiếu tín nhiệm rất cao, gần như tuyệt đối, có thể nói "nhân đã thuận", nhưng về “thiên, địa” thì còn lắm ngổn ngang. Nói vậy, bởi hiếm có nhiệm kỳ nào nhiều vấn đề lớn còn dang dở, cơ hội nhiều và khó khăn thách thức cũng vô cùng lớn như nhiệm kỳ 2016-2021.
Đúng như Thủ tướng đã nhận thức sâu sắc và chỉ rõ trong bài phát biểu nhậm chức, đất nước của chúng ta có rất nhiều vấn đề nóng chứ không chỉ một vài vấn đề. Nhiều câu hỏi đặt ra không dễ nhưng đều cần ngay lời giải như: Tại sao sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn chưa có bước phát triển đáng kể? Bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh, làm việc còn trì trệ? Trong nhiều trường hợp, lợi ích nhóm vẫn còn chi phối hoạt động kinh tế, làm méo mó thị trường, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể. Nạn tham nhũng vẫn còn khiến người dân bức xúc. Nợ công tăng trong khi hiệu quả đầu tư công chưa cao…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát chợ Long Biên, Hà Nội
Đó là chưa kể Thủ tướng tuyên thệ nhậm chức vào ngày 7/4, nhân sự của Chính phủ mới vừa được định hình thì cũng tháng 4, hàng loạt thiên tai ập đến. Trong khi miền Bắc mưa lũ triền miên thì các tỉnh miền Tây lại phải hứng chịu xâm nhập mặn, lúa chết hàng loạt, nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Ở miền Trung - Tây Nguyên, hạn hán khiến nhiều nơi ruộng khô, rừng cháy, đất đai nứt nẻ. Đặc biệt, 4 tỉnh miền Trung còn đối mặt tình trạng ô nhiễm môi trường, thủy sản chết hàng loạt. Người dân hoang mang trước những đồn đoán vô căn cứ tràn lan trên mạng xã hội...
Không có thời gian cho sự hụt hẫng, dao động, người đứng đầu Chính phủ bình tĩnh đối diện thực tế. Không nôn nóng suy nghĩ trước mắt mà tư duy với tầm nhìn dài hạn dựa trên việc “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật” để từ đó thay đổi cách nghĩ cách làm, tạo nên những động lực mới nhằm đưa đất nước phát triển tiến lên. Tâm thế của tân Thủ tướng ngay từ những ngày đầu nhậm chức đã thật đáng ghi nhận và trân trọng!
Xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động
Một chương trình hoạt động dày đặc cả trong và ngoài nước thể hiện rõ vai trò của vị lãnh đạo đứng đầu cơ quan hành pháp, trực tiếp điều hành và quản lý hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại đã được Thủ tướng bắt tay làm ngay. Đó là, triệu tập các thành viên Chính phủ với sự tham gia của lãnh đạo tất cả các địa phương, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị. Xác định rõ cần khơi dậy sức mạnh nội tại để vực dậy nền kinh tế đang yếu nhiều khâu, Thủ tướng đã quyết định gặp gỡ, đối thoại thắng thắn với doanh nghiệp qua hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam động lực phát triển của kinh tế đất nước”.
Với gần 1.000 người, trực tuyến đến 62 tỉnh, thành, cùng sự có mặt của các Phó Thủ tướng, hơn 10 bộ trưởng và lãnh đạo các thành phố lớn, buổi gặp kéo dài 6 tiếng đồng hồ với nhiều cảm xúc đã được coi như “Hội nghị Diên hồng”, như lời hiệu triệu của Thủ tướng đối với giới doanh nhân cùng chung tay hướng về đại cục, nhằm đưa đất nước vượt qua những khó khăn trước mắt để phát triển đi lên. Cũng tại đây, một thông điệp có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, tác động lớn lao đến sự phát triển kinh tế đất nước đã được Thủ tướng phát đi, đó là "Xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.
Phạm Chi Lan- Nguyên Phó Chủ tịch VCCI Trong bối cảnh một bộ phận lãnh đạo, cán bộ càng ngày càng quan liêu, xa dân, thì việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đi thị sát chợ Long Biên, xuống đồng ruộng, gặp người dân rồi ăn phở, uống cà phê ở TP Hồ Chí Minh là điều rất quý, cho thấy sự gần dân của ông. Nhưng điều quan trọng hơn, tôi mong những thông điệp Thủ tướng nêu ra qua hình ảnh của mình, phải được các cấp dưới thực hiện để thay đổi cung cách làm việc. |
Gặp gỡ đối thoại với doanh nhân, Thủ tướng cam kết: “Chính phủ luôn đồng hành cũng doanh nghiệp” và “không hình sự hoá các quan hệ kinh tế”. Một loạt các nghị quyết được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp lần lượt được ban hành như các Nghị quyết: 19, 35, 60... Cùng với 10 giải pháp có tính khả thi cao với thông điệp rất rõ ràng một Chính phủ hành động và gần dân, Thủ tướng đã thắp lên niềm tin, sự kỳ vọng chưa bao giờ có của cộng đồng doanh nghiệp vào một Chính phủ mới.
Cụ thể hoá chủ trương bằng những hướng đi rõ nét, tại tất cả các cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố, trong các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, hối thúc lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tạo mọi điều kiện cho sinh viên, giới trẻ khởi nghiệp, tạo nhanh hệ sinh thái khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp. Đây là những thông điệp vô cùng quan trọng định hướng đúng và trúng nhằm tháo gỡ những điểm “nghẽn”, điểm yếu kém của nền kinh tế.
Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính khi tuyên bố: "Kiên quyết xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách". Đây là tuyên bố thẳng thắn - “dám nói” nhất của một vị đứng đầu Chính phủ, là sự thừa nhận thực trạng báo động khẩn vì “những giấy phép con”, “những cây đinh dưới tấm thảm đỏ” gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Nói đi đôi với làm
Nói đã nhiều, tuyên truyền nhận thức đã đủ. Nói còn phải đi đôi với làm thì mới hiệu quả. Đến phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Người dân đã nghe chúng ta nói, thấy có chuyển biến trong hành động, tuy nhiên chưa phải đồng bộ và cũng không phải cấp nào, ngành nào, cơ quan nào cũng quyết liệt. Bây giờ, đã đến lúc nhân dân muốn nhìn thấy những kết quả cụ thể, để thấy sự nhất quán “nói đi đôi với làm” và làm có kết quả… Để nói đi đôi với làm và tạo được sự chuyển động đồng bộ với những kết quả cụ thể, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là lối tư duy, cung cách làm hoàn toàn mới. Điểm trúng vấn đề, chỉ đúng “địa chỉ”, làm rõ trách nhiệm trên tinh thần nhìn thẳng vào thực tế với quyết tâm nói đi đôi với làm, từ đó biến lời hứa, cam kết của Chính phủ với người dân thành hiện thực.
Cùng với việc quán triệt những chủ trương lớn thông suốt bộ máy Chính phủ cho đến các cuộc tiếp xúc gặp gỡ đối nội, đối ngoại, Thủ tướng còn thường xuyên có những hoạt động tiếp xúc trực tiếp với người dân ở mọi vùng miền đất nước, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, gần gũi, lắng nghe nguyện vọng của người dân và sâu sát với các vấn đề dù lớn dù nhỏ. Có thể kể ra đây rất nhiều lời nói, hành động của Thủ tướng đã được người dân trên mọi miền đất nước ghi nhận như: vụ quán “Xin chào” gây hoang mang dư luận, đã được Thủ tướng chỉ đạo giải quyết nhanh chóng; quyết định đóng cửa rừng 5 tỉnh Tây Nguyên và các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên để ngăn chặn phá rừng, buôn lậu gỗ để bảo vệ “lá phổi Tây Nguyên”.
Đặc biệt vụ ô nhiễm môi trường các tỉnh miền Trung đã khiến doanh nghiệp lớn của nước ngoài lần đầu tiên đã phải công khai xin lỗi nhân dân trong nước và tiến hành bồi thường thiệt hại, cam kết kinh doanh và bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Hay trực tiếp xuống hiện trường an ủi động viên người nhà nạn nhân vụ chìm tàu Đà Nẵng; xin lỗi người dân khi đi xe vào phố cổ Hội An; thăm công nhân thi công hầm đèo Cả; 5h sáng thị sát chợ rau quả Long Biên, Hà Nội; ăn thử cơm công nhân ở Bình Chánh... Tất cả đã xác lập nên niềm tin mới, tạo những chuyển biến trong đời sống doanh nhân, doanh nghiệp, hoàn toàn tin tưởng vào một vị Thủ tướng sâu sát, mạnh mẽ, quyết liệt, làm đến nơi đến chốn, hết lòng, cùng các cộng sự phục vụ nhân dân.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục gửi đi thông điệp nhằm xây dựng một Chính phủ và một hệ thống hành chính liêm chính, phục vụ khi chỉ đạo ngay trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tất cả phải chủ động, tập trung chăm lo Tết cho nhân dân, dồn sức để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn còn lại của năm 2016, sau đó, bắt tay ngay vào công việc của năm 2017 từ những ngày đầu, tháng đầu, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
Lạc quan và kỳ vọng
Một năm làm được nhiều nhưng nói không nhiều, Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đã được các đại biểu Quốc hội, người dân cả nước, đặc biệt là giới chuyên gia đã đánh giá rất cao.
TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Tôi hoan nghênh hành động “vi hành” của Thủ tướng. Tôi coi đó là các biểu hiện có tính chất đổi mới trong tác phong làm việc của người đứng đầu Chính phủ. Đó là một vị Thủ tướng gần dân và đã có những nỗ lực để “vi hành”, trực tiếp tìm hiểu thực tế chứ không chỉ nghe báo cáo với những hành động cụ thể, thiết thực. Tôi đánh giá cao hơn việc đó là nỗ lực của Thủ tướng là muốn xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, “tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”. Vấn đề là cần phải có những kế hoạch cụ thể và những chương trình hành động để tạo ra những chuyển biến cụ thể trong bộ máy hành chính. |
Rất nhiều tín hiệu vui, tích cực đã đánh giá, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của Thủ tướng và Chính phủ thời gian qua. “Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng xuất khẩu cùng lượng kiều hối tăng hàng năm là những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng ổn định và nâng tầm trong khu vực”- Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam triển vọng 2017” tổ chức vào tháng 11/2016.
Tại cuộc Toạ đàm “Làm ăn gì năm 2017?” được tổ chức ngày 10/12, TS. Lê Đăng Doanh cũng đánh giá, năm 2016 Việt Nam đã có bước ngoặt lớn về nhiều mặt. “Chưa có Chính phủ nào mới lên mà dồn dập gặp nhiều khó khăn như vậy. Trước từng ấy những thách thức nhưng rất mừng vì thấy Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng như thúc đẩy số lượng doanh nghiệp, quyết liệt tái cơ cấu. Kết quả là trong năm vừa qua, vẫn có khoảng 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Những quyết sách mới tái cơ cấu từ phía Chính phủ khiến cộng đồng doanh nghiệp phát triển làm tăng trưởng cho nền kinh tế”, ông Doanh nói.
Về triển vọng kinh tế năm 2017, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) lạc quan khi cho rằng: “Yếu tố quyết định nhất chính là chúng ta. Thủ tướng đã nói rằng “đã nói là phải làm””.
Chúng tôi xin kết thúc bài viết này bằng câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong một lần tiếp xúc cử tri - một chia sẻ rất đời thường, nhưng phần nhiều đã diễn đạt chân thực được niềm tin và sự hi vọng của người dân vào người đứng đầu Chính phủ rằng: “Các bác cử tri nhắc nhiều đến việc Thủ tướng xuống chợ như thế nào, gặp gỡ bà con, thị sát rau sạch, vệ sinh an toàn toàn thực phẩm... cho thấy cả bộ máy đang chuyển động và chúng ta mừng trước điều đó”.
“Khi dân có việc thì cần có hệ thống chính trị đến động viên, thăm hỏi về vật chất, tinh thần để họ cảm thấy ấm áp khi có Đảng, Nhà nước bên cạnh” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Đứng trên góc độ dân nguyện thì thấy rằng hình ảnh gần gũi nhân dân của Thủ tướng Chính phủ rất có lợi cho công tác điều hành chính phủ của Thủ tướng nói riêng và tất cả các thành viên Chính phủ nói chung. Theo tôi điểm lợi quan trọng và có tác dụng lớn nhất là, qua những dịp “vi hành” gần gũi người dân như vậy, Thủ tướng sẽ xây dựng được một hình ảnh gần gũi, thân thiện với nhân dân qua đó người dân sẽ tin tưởng, thấu hiểu và chia sẻ hơn với những khó khăn của Thủ tướng, của Chính phủ để đồng lòng xây đựng đất nước. Nguyễn Thanh Sơn - Chuyên gia truyền thông Trong các thông điệp của Thủ tướng, có lẽ thông điệp “Chính phủ kiến tạo” là thông điệp quan trọng nhất. Sau gần 30 năm mở cửa và phát triển, một số sai lầm trong phát triển của chúng ta bắt đầu lộ rõ và ảnh hưởng trực tiếp đến sự bền vững của xã hội và nhân dân. Sửa chữa những sai lầm này cần có sự ủng hộ và góp sức của cả xã hội. Cho nên, khi nói tới “kiến tạo”, thì điều đầu tiên cần “kiến tạo lại” là lòng tin của nhân dân. Những hành động thể hiện sự gần gũi người dân của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện những bước đi đầu tiên của một “Chính phủ kiến tạo”. Mong rằng các quan chức khác cũng noi theo tinh thần này. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước Tôi rất hoan nghênh hoạt động của Thủ tướng. Nếu đi vào thực chất thì đó chính là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây - quan điểm của người đứng đầu Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đó cần được coi là một phẩm chất của một người đứng đầu Chính phủ. Càng đi về gần với dân bao nhiêu thì người đứng đầu Chính phủ lại càng được sự tin mến của người dân bấy nhiêu. Nếu không gần dân thì không thể hiểu được cuộc sống của người dân và từ đó khó có thể có những chủ trương, chính sách đúng đắn. Mà tất cả mọi chủ trương đều là vì lợi ích của người dân. |