"Khi phân loại không đủ yếu tố thì tạm đình chỉ và đình chỉ là ngăn chặn oan sai"

Trọng Bằng| 30/10/2018 11:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên được Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí nêu rõ khi trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH về việc số lượng tạm đình chỉ và đình chỉ điều tra còn số lượng lớn, ngày càng gia tăng, tại phiên chất vấn Quốc hội sáng nay (30/10).

Viện trưởng Viện KSNDTC trả lời chất vấn trước Quốc hội

Theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định): Chất lượng điều tra tội phạm, theo báo cáo của Chính phủ, số lượng các vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra vẫn chiếm tỷ lệ lớn và càng ngày gia tăng. Hơn 12.00 vụ, hơn 2.000 bị can, tăng 4% về số vụ, 6% về bị can. Trong đó có một số vụ sắp hết thời hạn, tiềm ẩn nguy cơ bị bỏ lọt tội phạm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều tra.

Đề nghị Bộ trưởng Công an, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết nguyên nhân chủ quan, giải pháp đột phá nào để giải quyết tình trạng trên.

Trả lời chất vấn này Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Tạm đình chỉ điều tra số bị can 2.411, tăng 13,92% so với năm trước. Đình chỉ điều tra 2.340 bị can, cũng tăng so với năm trước. Do bộ luật hình sự 2015 có nhiều nội dung điều chỉnh, như hơn 1.000 bị can đình chỉ do rút đơn, hay người bị hại tự hoà giải...

Về nguyên nhân chủ quan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ có 0,75% trường hợp. Các trường hợp này cũng cần đánh giá cụ thể mới xác định oan sai và bồi thường thiệt hại.

Thời gian tới tập trung triển khai thực hiện các Bộ luật năm 2015 như: Tố tụng hình sự, Tạm giam tạm giữ... Tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng điều tra các cấp. Tăng cường thanh kiểm tra chấn chỉnh trong tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm.

Liên quan vấn đề này, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí nêu rõ các giải pháp: Chất lượng công tác điều tra có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn tồn tại như trong báo cáo nêu. Chúng tôi sẽ đặc biệt áp dụng biện pháp hạn chế như: Viện sẽ tăng cường kiểm sát quá trình xử lý tin báo tố giác ngay từ dầu. Quá trình khởi tố, điều tra, nghiên cứu hồ sơ phát hiện mâu thuẫn, bất cập sẽ yêu cầu xác minh kịp thời, chặt chẽ từ đầu cho đến cả quá trình. Các quy định của luật tố tụng, nghiệp vụ của ngành thì cần thanh kiểm tra chấn chỉnh chấp hành nghiêm để hạn chế bớt sai sót.

Đồng thời Viện trưởng Viện KSNDTC: Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ có mặt tích cực vì đấu tranh tội phạm không khởi tố, không bắt thì không điều tra được như tội ma tuý, tham nhũng, cướp, giết người, hiếp dâm, thậm chí cả việc đánh bài... Khi phân loại không đủ yếu tố thì tạm đình chỉ và đình chỉ là ngăn chặn oan sai. Viện có yêu cầu rà soát các trường hợp tạm đình chỉ để không đủ điều kiện thì kết thúc, còn đủ điều kiện thì phục hồi điều tra.

Tranh luận lại ý kiến của 2 vị Trưởng ngành các cơ quan tư pháp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa tranh luận: Sở dĩ nêu câu hỏi vì trên tổng số 1 năm thụ lý trên 94.000 vụ, trong đó có hơn 12.000 vụ và hơn 2.000 bị can bị đình chỉ điều tra là con số rất lớn. Nhất trí đình chỉ có hai mặt nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, vấn đề này Uỷ ban Tư pháp nêu ra nhiều năm gần đây. Mong Bộ trưởng và Viện trưởng quan tâm để làm sao giảm được tỷ lệ này.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) tranh luận lại phần giải trình chất vấn

Trước đó, Báo cáo tóm tắt tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về lĩnh vực tư pháp cho biết:

Nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết đã được Tòa án nhân dân tối cao rất chú trọng. Tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được chú trọng hơn. Đối với các vụ án hình sự, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được khẩn trương đưa ra xét xử; các biện pháp để tăng cường thu hồi tài sản do phạm tội đã được chú trọng áp dụng.

Đối với các vụ việc dân sự, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành công đạt cao; số vụ việc dân sự được Tòa án nhân dân các cấp giải quyết tăng; tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm. Toàn ngành không còn vụ án hành chính quá hạn do lỗi chủ quan của Tòa án, việc tổ chức đối thoại được chú trọng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc dân sự quá hạn do nguyên nhân chủ quan của Tòa án. Tỷ lệ bản án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan mặc dù giảm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Công tác giải quyết, xét xử vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng hoạt động điều tra, kiểm sát hoạt động điều tra và truy tố tiếp tục được tăng cường. Số vụ Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự và số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra tăng. Các trường hợp quá hạn giải quyết vụ án hình sự, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, số bị can phải đình chỉ do không phạm tội và số bị cáo Tòa án tuyên không phạm tội giảm dần. Một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được các cơ quan phối hợp điều tra, truy tố và đưa ra xét xử trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp còn để xảy ra trường hợp bị can bị oan trong giai đoạn truy tố; còn trường hợp phải rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa; một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ. Các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vẫn chiếm tỷ lệ lớn.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Khi phân loại không đủ yếu tố thì tạm đình chỉ và đình chỉ là ngăn chặn oan sai"