Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ vừa tổ chức tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016. Trong số những thanh niên, đoàn viên ưu tú ấy, có chàng trai dân tộc Mông đến từ Si Ma Cai Giàng Seo Châu, Chủ tịch xã MảnThẩn.
Vượt núi tìm cái… chữ
Trước khi được bầu chọn là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016 – giải thưởng nhằm tuyên dương những điển hình thanh niên tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Giàng Seo Châu đã từng được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen từ trung ương tới địa phương. Và, anh còn được biết đến là người Mông đầu tiên ở Si Ma Cai có bằng thạc sỹ. Nhưng, đằng sau cái vẻ “hào nhoáng” ấy, ít người biết rằng, để đi từ rừng sâu đến những thành công như hôm nay, Giàng Seo Châu đã phải trải qua vô vàn cam khó.
Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu: “Tôi trăn trở nhất là làm sao để đưa Mản Thẩn thoát nghèo”
Châu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em ở Mản Thẩn, Si Ma Cai. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông với truyền thống du canh du cư từ ngàn đời trước. Và gia đình Châu cũng không phải là ngoại lệ. Những tưởng cả đời sẽ phải gắn với cảnh lang bạt, rày đây mai đó, nhà cửa tạm bợ, sống với con ma rừng, với bệnh tật và sự lạc hậu tột cùng, nhưng rồi “bước ngoặt cuộc đời” của Châu cũng đến, vào năm anh lên 10 tuổi. Đó là khi cán bộ xắn quần, lội rừng tìm lên tận nương, vào tận nhà để vận động bố mẹ Châu cho anh đi học.
Kể từ khi được đi học, cậu bé Châu bắt đầu phải tự lập về nhiều mặt, từ việc học tập cho đến việc lo nấu nướng cơm nước, tắm rửa, chăm sóc bản thân. “Trường cách nhà mấy quả núi, sáng nào cũng phải đi từ sớm. Toàn phải đi bộ thôi. Đi như khỉ leo núi ấy, mệt thì nghỉ, khát thì xuống suối… Đối với đám học trò người dân tộc như chúng tôi thì việc đó vẫn không khó, khổ bằng việc học tiếng phổ thông. Nó còn khó hơn cả đi bộ xuyên qua hàng trăm ngọn núi ấy chứ!”, Giàng Seo Châu nhớ lại.
Khó khăn là thế, nhưng vì suy nghĩ chỉ có học thật tốt sau này mới có thể thoát nghèo và đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương nên ở cấp học nào Châu cũng luôn nỗ lực, cố gắng. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cậu học trò người Mông Giàng Seo Châu nhận được cùng lúc hai giấy báo trúng tuyển vào Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Đại học Sư phạm Hà Nội 2.
Chưa kịp vui vì cánh cửa tương lai vừa mở ra, ước mơ từ thuở nhỏ là được bước chân vào giảng đường đại học sắp thành hiện thực thì Châu vướng phải sự ngăn cấm quyết liệt từ gia đình. Lúc đó, bố Châu bảo: “Tao chỉ thấy người ta thồ ngô, thồ thóc ra chợ bán được tiền, chứ chưa thấy ai đi học mà được tiền. Người Mông ở Mản Thẩn này từ xưa đến nay cũng chỉ cần hạt ngô, hạt thóc để làm no cái bụng thôi, không cần cái chữ đâu”.
“Thời đó, chả cứ gì bố tôi mà nhiều ông bố, bà mẹ người dân tộc khác đều có lối tư duy xưa cũ. Họ quan niệm rằng khi con cái lớn lên, điều quan trọng là việc dựng vợ gả chồng, vừa yên bề gia thất, vừa có thêm người lên nương, lên rẫy. Chính vì quan niệm cổ hủ, lạc hậu ấy ngâm tẩm từ đời này sang đời khác nên rất nhiều thanh thiếu niên ở đây phải nghỉ học sớm để lấy vợ, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái. Và cũng chính vì muốn xóa đi cái quan niệm ấy mà tôi càng quyết tâm đi học”, Giàng Seo Châu tâm sự.
Vượt qua nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế và những áp lực từ phía người cha, chàng trai Giàng Seo Châu đã một mình lên Thủ đô học tập. Với ý nghĩ mình phải kiếm ra tiền, phải tự lực để không phiền đến cha mẹ, Châu đã tự mày mò đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Đồng lương eo hẹp nhờ đi làm thuê ở các trại cây giống và quán cơm sinh viên dù chỉ đủ cho Châu mua thêm đồ dùng học tập, nhưng vượt qua tất cả, anh vẫn nỗ lực không ngừng trong học tập trong suốt những năm tháng ngồi ghế giảng đường.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, Giàng Seo Châu được Đại học Nông nghiệp I ngỏ ý giữ lại trường công tác. Đứng trước cơ hội mà nhiều bạn trẻ mơ ước, Giàng Seo Châu đã từ chối để trở về thực hiện lý tưởng làm giàu cho quê hương. Đó là năm 2012, khi Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo trên cả nước được triển khai, Châu tình nguyện xin tham gia và được chấp nhận.
Trăn trở với đồng bào
Kể từ khi về Mản Thẩn công tác với cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, Giàng Seo Châu đã mang hết những kiến thức mình thu nạp được ứng dụng ngay tại mảnh đất quê hương. Cũng trong khoảng thời gian đó, anh tiếp tục học lên cao học để lấy bằng thạc sỹ, nâng cao trình độ. “Do được sinh ra và lớn lên tại Mản Thẩn nên tôi rất thấu hiểu được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của đồng bào. Ngoài việc được lãnh đạo quan tâm, thường xuyên hướng dẫn, chỉ bảo, tôi còn được phân công phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp của xã - đúng lĩnh vực mà mình đã từng theo học. Những thuận lợi này đã giúp tôi phát huy hết kiến thức và năng lực của bản thân để giúp đỡ bà con trong sản xuất”, Giàng Seo Châu chia sẻ.
Anh Châu (người thứ hai từ trái sang) vận động bà con giữ gìn điệu múa truyền thống của người Mông
Quả thật, kể từ khi làm Phó Chủ tịch UBND, Giàng Seo Châu đã đưa xã Mản Thẩn đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trên lĩnh vực kinh tế cũng như văn hóa, xã hội. Cụ thể, năm 2014, anh mạnh dạn đưa cây tam thất về trồng tại xã Mản Thẩn. Đây là loài cây hứa hẹn sẽ mang tới thu nhập hàng tỉ đồng từ việc sản xuất hoa và củ sau 3-4 năm. Sau thành công ban đầu, anh tiếp tục đưa mô hình trồng rau bắp cải, mô hình nuôi giống lợn đen bản địa ở Si Ma Cai ra làm thí điểm và có kết quả tốt, được nhân rộng trong nhân dân. Và cũng trong năm này, Giàng Seo Châu chính thức được bầu làm Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn.
Còn tính riêng trong năm 2016 vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND xã Giàng Seo Châu, nhân dân Mản Thẩn đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích trồng nông sản (lúa, ngô, giềng, gừng). Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.181,85 tấn tăng 91.4 tấn so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng lương thực bình quân đầu người/năm là 614 kg tăng 47 kg so với 2015; thực hiện trồng rau tăng vụ được 20 ha rau các loại, xây dựng được hai mô hình trồng cây tam thất với diện tích 4,2 ha... từ đó nâng giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác lên 34,5 triệu đồng; đưa thu nhập bình quân đầu người lên 22,04 triệu đồng.
Bên cạnh việc xây dựng, cho triển khai áp dụng các mô hình kinh tế, Giàng Seo Châu còn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm đường giao thông nông thôn tại địa phương. Trong quá trình thực hiện, vị cán bộ trẻ Giàng Seo Châu cũng đã gặp nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Châu kể có lần anh tham gia vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn, do chưa hiểu được chính sách và ý nghĩa, giá trị của những con đường nên người dân không đồng tình, rồi họ không tham gia. Không nản, anh vẫn kiên trì đến từng nhà vận động, nói để người dân hiểu và đã nhận được sự ủng hộ của các hộ dân trong xã làm được 18km đường giao thông nông thôn giúp bà con thay đổi cuộc sống của chính mình. Hiện chính người dân trong xã đã kiến nghị, đề xuất mở các tuyến đường bê tông ra nương rẫy, đường liên gia giữa các hộ gia đình để thuận tiện cho việc đi lại của bà con.
Nhờ làm tốt công tác dân vận nên chỉ tính riêng trong 4 năm, từ 2012-2016, Giàng Seo Châu cùng với Đảng bộ, chính quyền xã vận động nhân dân đóng góp tiền và hiến trên 10 ha đất nông nghiệp và đất ở, trên 150.000 ngày công lao động, qua đó đưa Mản Thẩn là xã đầu tiên của huyện Si Ma Cai hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để đạt được kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền xã Mản Thẩn đã tổ chức gần 900 buổi họp, tuyên truyền vận động tới 34.540 người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, xã đã huy động nguồn lực với giá trị trên 25 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp trên 8,8 tỷ đồng (chiếm trên 35%). Trong sản xuất, nhân dân đã nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa học và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến hết năm 2016, xã đã có gần 60% hộ khá, giàu, thu nhập bình quân đạt trên 22 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn được giữ vững, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được thay đổi rõ rệt, các hủ tục được đẩy lùi.
Với những nỗ lực của bản thân, Giàng Seo Châu được bà con cùng Đảng ủy, chính quyền xã tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Và mới đây, anh đã vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 bình chọn là một trong 10 tấm gương thanh niên tiêu biểu nhất.
“Giải thưởng này càng thôi thúc tôi cố gắng phấn đấu hơn nữa trong công tác cũng như trong việc đưa Mản Thẩn từng bước phát triển. Tôi được có ngày hôm nay, cũng là vì may mắn có được kiến thức qua việc học hành, thế nên điều tôi mong muốn là ngày càng có nhiều các bạn trẻ người dân tộc thiểu số được đến trường. Bởi tôi luôn tâm niệm rằng, chỉ có cái chữ mới giúp ta tiếp cận với tri thức. Cộng với ý chí, nghị lực, quyết tâm theo đuổi mục tiêu cho chính mình sẽ giúp cho con người ta trở thành người có ích cho gia đình, xã hội và cộng đồng”, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu chia sẻ.