Khai thác tài sản công để tránh lãng phí nhưng cần quy định chặt chẽ

Mai Thoa| 29/05/2017 19:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung liên quan đến việc công khai tài sản công, việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê và liên doanh, liên kết.

Khai thác tài sản công để tránh lãng phí nhưng cần quy định chặt chẽ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu 

Công khai tài sản công

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là đạo luật có liên quan đến nhiều luật chuyên ngành, tác động đến hầu hết các đối tượng quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Để sớm khắc phục tình trạng quản lý, sử dụng tài sản công còn manh mún, chưa hiệu quả, lãng phí nguồn lực nhà nước, việc sửa đổi luật này là cần thiết.

Theo đó, dự thảo Luật quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với tài sản công là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.

Về việc công khai thông tin tài sản công, khoản 3 Điều 9 quy định các hình thức công khai tài sản công gồm: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai, công bố tại các cuộc họp, các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.

Một số ĐB cho rằng, quy định như vậy sẽ không rõ ràng việc giám sát thường xuyên của người dân đối với tài sản công. Vì vậy nên quy định cụ thể thêm một hình thức công khai đó là công khai trên chính tài sản công như đất lâm trường, trụ sở cơ quan, nhà công vụ, xe công... đang là những tài sản công mà trong thời gian qua xã hội đã phản ánh nhiều về việc quản lý, sử dụng thiếu chặt chẽ.

Mặt khác, để bảo đảm tính bảo mật, tính khả thi thì Luật, cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể thông tin nào cần thiết công khai đối với từng loại tài sản công và chỉ thực hiện đối với các tài sản công mới phát sinh, tài sản công được giao cho đối tượng sử dụng mới, tài sản công khi được sửa chữa lớn, tài sản đã bị phản ánh tiêu cực trong quản lý và sử dụng.

Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng đề nghị cần quy định rõ về công khai, niêm yết các nội dung liên quan đến tài sản, như: công khai ở đâu, địa điểm nào phải quy định rõ.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề cập đến một loại tài sản công khác là việc đầu tư xây dựng trụ sở quy định tại Điều 31 dự thảo. Ông Hiểu cho rằng, đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt trong dự thảo Luật lần này. Vì việc xây dựng trụ sở chiếm một tỷ trọng rất lớn về tài sản công và nếu làm tốt, có những mô hình phù hợp giúp thuận lợi cho người dân và tiết kiệm ngân sách nhà nước để thực hiện tốt  mục tiêu cải cách và hiện đại hóa nền hành chính.

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, Ban soạn thảo cần có cách tiếp cận mới, khác. Đó là, nên định hướng trụ sở, lựa chọn mô hình khu hành chính tập trung, coi đây là xu hướng bắt buộc, nhưng phải thỏa mãn điều kiện về quy hoạch và căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương. Luật chỉ nên dừng lại ở định hướng và sau đó Chính phủ sẽ ban hành cụ thể quy định liên quan đến vấn đề này. Đặc biệt, các đơn vị được bố trí ở khu hành chính tập trung hoặc xây dựng trụ sở mới thì phải bàn giao lại trụ sở cũ.

Có nên cho phép khai thác tài sản công?

Một nội dung nữa nhận được sự quan tâm của các ĐB là quy định về việc cho phép sử dụng, khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích cho thuê, khai thác, góp vốn liên doanh, liên kết tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan dự trữ nhà nước.

Có ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể về chế độ quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa, chế độ tài chính, nghĩa vụ đối với Nhà nước, thẩm quyền cho phép và quy định cụ thể tài sản công được phép khai thác để tránh tạo kẽ hở trong việc lợi dụng chính sách; đề nghị không quy định việc cho thuê, liên doanh, liên kết đối với tài sản công ở đơn vị sự nghiệp công lập để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Một số ý kiến khác lại cho rằng, việc cho phép khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng tại các đơn vị sự nghiệp sẽ dẫn tới việc tiếp tục đầu tư lãng phí, dư thừa công năng.

Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thì Luật cũng cần bổ sung nội dung là việc cho thuê và liên doanh, liên kết phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, không làm lộ bí mật nhà nước, thông tin của các tổ chức, cá nhân. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cần quy định rõ là khi sử dụng các tài sản này vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết thì cần khống chế thời gian cho thuê, hợp tác. Tùy từng vị trí của tài sản mà quy định phải lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là đối với các tài sản nằm gần các khu hành chính thì việc cho thuê, liên doanh, liên kết không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các khu hành chính xung quanh.    

Tuy nhiên, cũng có ĐB cho rằng, cần cân nhắc quy định này, vì theo quy định, tài sản công là của cơ quan nhà nước không được phép cho thuê, còn tài sản không dùng hết công năng cho thuê sẽ vi phạm về quản lý và sử dụng tài sản công.

Giải trình thêm nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, việc quản lý khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập,…Luật Quản lý tài sản nhà nước năm 2008 cũng đã phân định chế độ quản lý sử dụng giữa cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công tương đối rõ ràng.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, mục tiêu cao nhất của việc sử dụng quản lý tài sản công là phải tạo ra nhiều dịch vụ công với chất lượng tốt, chi phí thấp, theo đó việc sử dụng tài sản phải tối đa hóa công suất, giảm chi phí. Vì vậy chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết đã được quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008.

Tổng số viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập của chúng ta hiện nay rất lớn, khoảng 2 triệu người, chi phí cho việc vận hành bộ máy là rất lớn. Việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng để giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Tinh thần là cho thuê nhưng sử dụng vào dịch vụ công, phải tính đúng, tính đủ. Dự thảo luật đã rà soát, bổ sung và quy định rất chặt chẽ về vấn đề này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác tài sản công để tránh lãng phí nhưng cần quy định chặt chẽ