Sáng 15/11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức khai mạc Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần II năm 2024 với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”.
Diễn đàn Mekong Startup lần II năm 2024 bao gồm chuỗi các hoạt động kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11/2024. Diễn đàn lần này sáng kiến thành lập Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong với mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công-tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh trên địa bàn Đồng Tháp.
Với những nội dung, hoạt động của diễn đàn nhằm giúp các Startup phát huy vai trò, vị trí; cất lên tiếng nói để tháo gỡ các điểm nghẽn, đề xuất những giải pháp và phát triển công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu và đón đầu xu thế phát triển của thế giới.
Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL lần II năm 2024 phát huy vai trò, vị trí; cất lên tiếng nói để tháo gỡ các điểm nghẽn, đề xuất những giải pháp và phát triển công nghệ mới để phát huy giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, đáp ứng được nhu cầu và đón đầu xu thế phát triển của thế giới. Đồng thời, cũng nguồn cảm hứng để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL.
Đặc biệt, tạo phong trào triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, trong đó, chú trọng mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là “Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực ĐBSCL” trong tình hình mới.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ông Trần Trí Quang cho biết, thông qua diễn đàn lần này sẽ tạo nên bước ngoặc quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình để Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn.
Đồng thời, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững để góp phần hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, cùng nhau xây dựng một nền tảng hợp tác, đối thoại công-tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Theo đó, ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với gần 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trung bình hằng năm có khoảng 400-500 dự án khởi nghiệp. Đây còn là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng một phần ba tổng GDP nông nghiệp cả nước.
Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi nền kinh tế của vùng, trong đó chuyển đổi nông nghiệp cần phải giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững và đổi mới sáng tạo.