Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng nóng, lại chủ yếu đi theo hình thức tour 0 đồng, không đem lại nhiều giá trị kinh tế cho đất nước.
Năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu, chiếm 27% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong Quý I năm 2017, khách du lịch Trung Quốc tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 950.000 lượt, chiếm 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Hiện nay đang có những ý kiến đánh giá khác nhau về mức tăng trưởng của số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng trưởng “nóng”, chiếm tỷ lệ quá lớn trong cơ cấu khách, không bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc trong cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không cao so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc (8,1 triệu lượt khách Trung Quốc năm 2016, chiếm 47% tổng lượng khách), Thái Lan (8,8 triệu, 27%), Nhật Bản (6,4 triệu, 27%).
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giai đoạn 2010-2015 đạt trung bình 14%/năm, thấp hơn so với Mi-an-ma (79%), Thái Lan (48%), Cam-pu-chia (31%), Nhật Bản (29%), Lào (26%), Phi-lip-pin (21%), In-đô-nê-xi-a (20%);về số lượng bằng 30% so với Thái Lan, 33% so với Hàn Quốc, 42% so với Nhật Bản.
Bên cạnh đó, lại có một số ý kiến cho rằng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chủ yếu đi theo đường bộ, theo hình thức “Tour 0 Đồng”, không đem lại nhiều giá trị kinh tế cho đất nước.
Khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh Ảnh: L.Q.P
Theo Tổng cục Thống kê, khách du lịch đường bộ đến Việt Nam trong Quý I (bao gồm cả khách Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia) chỉ tăng 7,6%, đạt 467.000 lượt, trong đó khách du lịch đi đường bộ từ Cam-pu-chia vào Việt Nam chiếm tỷ trọng cao. Thực tế, khách du lịch Trung Quốc chủ yếu đến Việt Nam bằng đường hàng không qua các cảng hàng không quốc tế tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Tp. Hồ Chí Minh, Phú Quốc. Khách du lịch Trung Quốc đi đường bộ chủ yếu tập trung ở một số tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Theo điều tra năm 2014 của Tổng cục Du lịch, khách du lịch Trung Quốc chi tiêu ở Việt Nam trung bình 790 đô-la Mỹ/lượt khách và có xu hướng ngày càng tăng.
Hiện nay, thuật ngữ “Tour 0 Đồng” là khái niệm các công ty lữ hành sử dụng để thu hút khách du lịch mua Tour giá rẻ, nhấn mạnh yếu tố giá cạnh tranh. Thực tế, khách du lịch chỉ phải trả chi phí thấp để đến và sử dụng dịch vụ tối thiểu tại điểm đến. Tuy nhiên, khách du lịch sẽ được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác như mua sắm, tham quan, vui chơi, giải trí, ăn uống... Về bản chất, việc liên kết, tái phân bổ lợi nhuận giữa các công ty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến vẫn đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch. Thuật ngữ “Tour 0 Đồng” để thể hiện phương pháp cụ thể trong một khâu của cả quá trình quản trị thu hút, phục vụ khách du lịch, không phải là hình thức kinh doanh không mang lại lợi nhuận.
Theo Tổng Cục du lịch Việt Nam thì thực trạng tình hình khai thác, phục vụ và quản lý thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đang đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch một số vấn đề cần có biện pháp xử lý, cụ thể.
Đầu tiên phải kể đến số lượng khách du lịch Trung Quốc tăng quá nhanh, tập trung tại một số điểm đến và khu vực tại điểm đến, vượt quá sức chứa của điểm đến dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất trật tự công cộng. Thực tế này đòi hỏi phải có các quy định, hướng dẫn, quản lý chặt chẽ.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc thao túng các dịch vụ du lịch tại điểm đến, nhất là hoạt động mua sắm khiến nhà nước thất thu thuế, khách du lịch phải mua hàng với mức giá cao hơn mặt bằng chung. Thực tế này đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về thuế và thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường khách du lịch Trung Quốc là thị trường nhạy cảm, dễ chịu tác động của biến động chính trị, quan hệ đối ngoại và tình hình thế giới, tăng trưởng nhanh nhưng có thể sụt giảm nhanh đột ngột như đã từng xảy ra tại một số thời điểm.
Đặc biệt, tình trạng nợ tiền của các công ty lữ hành Trung Quốc đối với các công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở dịch vụ có thể dẫn tới rủi ro cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Ở góc độ tăng cường hội nhập quốc tế, năm 2017 được Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc xác định là năm Hợp tác Du lịch ASEAN-Trung Quốc. Các nước ASEAN đều xác định Trung Quốc là thị trường quan trọng, có tiềm năng lớn; tuy nhiên đều thống nhất cần có sự trao đổi để giải quyết các vấn đề đặt ra như đã nêu ở trên.
Xuất phát từ quan điểm toàn diện, tổng thể để bảo vệ lợi ích quốc gia, Tổng Cục Du lịch Việt Nam khẳng định du lịch Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các nước ASEAN để đề xuất một số biện pháp tăng cường công tác quản lý đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc.
Đối với điểm đến, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với khách du lịch quốc tế nói chung và khách du lịch Trung Quốc nói riêng thông qua công cụ phổ biến nhất là Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch, trong đó hướng dẫn những điều khách du lịch được làm và không được làm. Một số khách sạn yêu cầu khách du lịch Trung Quốc phải đặt cọc trước để tránh những thiệt hại vật chất có khả năng xảy ra.
Đối với các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, cơ quan quản lý điểm đến cần tích cực làm việc với các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc gửi khách đến và các cơ sở dịch vụ đón khách Trung Quốc để trao đổi về các vấn đề quan ngại và cùng hợp tác để tìm hướng giải quyết thỏa đáng cho các bên.
Đối với các cơ sở mua sắm, cần xử lý nghiêm các cơ sở không cho người địa phương vào mua hàng, yêu cầu niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết, tăng cường công tác quản lý thị trường, áp dụng các biện pháp chống thất thu thuế.
Đối với cơ quan quản lý, cần nghiên cứu, xác định rõ đối tượng khách và điểm đến ưu tiên phục vụ khách du lịch Trung Quốc, sức chứa và khả năng phục vụ để có kế hoạch phát triển sản phẩm và thị trường phù hợp.