Một trong nhiều bất cập trong công tác đấu giá tài sản hiện nay là có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát việc đấu giá...
Với thực trạng trên, nhiều chuyên gia nhận định rất cần ban hành Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) trong thời điểm hiện nay. Phiên họp UBTVQH chiều 12/10 cũng đã cho ý kiến về dự án Luật này.
Kiểm soát hoạt động đấu giá hữu hiệu
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, mặc dù hiện nay, lĩnh vực bán đấu giá tài sản được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, song không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra dẫn đến tình trạng bất cập như: Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa hiệu quả, còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát việc đấu giá, nhất là đấu giá tài sản Nhà nước. Đặc biệt, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá đối với tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm còn gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng người mua được tài sản đấu giá ngay tình chịu nhiều rủi ro, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng do không nhận được tài sản trúng đấu giá...
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản có lúc, có nơi còn buông lỏng; chế tài và việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, dẫn đến hiệu quả quản lý Nhà nước chưa cao. Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động đấu giá, nhất là giữa doanh nghiệp đấu giá tài sản là tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập.
Một phiên đấu giá tài sản tại Hà Đông - Hà Nội
Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Luật ĐGTS quy định phạm vi, nguyên tắc đấu giá tài sản và các hình thức xử lý vi phạm, bồi thường thiệt hại và quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản. Dự thảo Luật ĐGTS áp dụng đối với việc đấu giá các loại tài sản bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá; không áp dụng đối với việc đấu giá tài sản Nhà nước ở nước ngoài và chứng khoán; quy định việc đấu giá khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngoài hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói như quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Luật ĐGTS bổ sung hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu và các hình thức khác nhằm minh bạch, công khai quá trình đấu giá tài sản, khắc phục tình trạng những người tham gia đấu giá liên kết với nhau để thông đồng, dìm giá và tình trạng người tham gia đấu giá bị tác động, khống chế khi trả giá.
Có phải là loại hình kinh doanh có điều kiện?
Liên quan đến quy định về việc doanh nghiệp đấu giá tài sản, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, việc quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản phải được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, không đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác. Một số ý kiến khác lại cho rằng, không nên quy định về việc đăng ký hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản tại dự án Luật ĐGTS này vì các quy định về thành lập, tổ chức, giải thể... của doanh nghiệp đã được quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: Luật Đầu tư cũng đã xác định ngành nghề bán đấu giá tài sản là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Như vậy, việc quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản phải được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và không đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác được coi là các điều kiện trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Do đó, việc quy định về đăng ký hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản tại dự án Luật Đấu giá tài sản là phù hợp.
Về các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá, Bộ Tư pháp đề xuất không quy định chi tiết các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá. Các loại tài sản này được xác định tại các luật chuyên ngành.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật ĐGTS cần bổ sung quy định cụ thể những loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá vì cho rằng, dự án Luật này quy định về trình tự, thủ tục chung áp dụng đối với tất cả các loại tài sản bán thông qua đấu giá. Do đó, việc xác định rõ ràng những loại tài sản theo quy định bắt buộc phải bán đấu giá là rất cần thiết, tạo thuận lợi và thống nhất cho việc áp dụng trên thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng nhận định, phần lớn tài sản bán thông qua đấu giá trên thực tế hiện nay đều là tài sản theo quy định pháp luật bắt buộc phải bán thông qua đấu giá như: Tài sản là quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất; quyền khai thác khoáng sản; quyền sử dụng tần số vô tuyến điện…Cho nên, việc xác định các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại dự án Luật ĐGTS là rất cần thiết.
Dự thảo Luật ĐGTS cũng đã quy định về các điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề Đấu giá viên khi Đấu giá viên hành nghề tại doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc hành nghề tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Một Đấu giá viên chỉ được thành lập, tham gia thành lập một doanh nghiệp đấu giá tài sản.
TANDTC cũng đã có ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét ngoài Đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cũng có quyền tổ chức bán đấu giá tài sản. Đồng thời, TANDTC cũng đề nghị đối chiếu với những quy định liên quan của Luật Phá sản để bổ sung và có quy định thống nhất như thời hạn tổ chức bán đấu giá tài sản đối với động sản, bất động sản.