Ngày 28-6, tại Hà Nội, Học viện Hành chính (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đã tổ chức hội thảo khoa học “Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước ở Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà khoa học”.
Muốn cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả cao, cán bộ, công chức phải nâng tầm (Ảnh: PV)
Trên 80 tham luận của các nhà khoa học, quản lý gửi đến và trình bày tại hội thảo đã tập trung làm rõ những vấn đề quan trọng làm cơ sở để đánh giá thực trạng CCHC nhà nước ở Việt Nam nói chung và 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2010. Dưới góc nhìn của các nhà khoa học, các đại biểu đã đưa ra những bình luận xác đáng về Chương trình, công tác tổ chức thực hiện Chương trình, các yếu tố, bối cảnh có tác động đến kết quả CCHC nhà nước; đánh giá việc xây dựng mục tiêu, giải pháp, chương trình hành động thực hiện Chương trình tổng thể.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng: Mặc dù đã có những kết quả tiến bộ nhưng tốc độ CCHC còn chậm, chưa nhất quán, hiệu quả còn thấp so với mục tiêu đặt ra là “đến năm 2010 xây dựng được một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại”. Những kết quả đạt được chưa bền vững, chưa tương xứng với yêu cầu, quy mô đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và mục tiêu chung mà Chương trình tổng thể đề ra.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của những mặt hạn chế là do: tuy CCHC được xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, nhưng khâu tổ chức triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa có nhiều giải pháp tập trung, quyết liệt để triển khai thực hiện. CCHC chưa được triển khai đồng bộ và có hiệu quả với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; chưa có giải pháp phù hợp để bảo đảm sự kết nối có hiệu quả các nội dung cải cách, đổi mới của cả hệ thống chính trị…
Hội thảo nhất trí cho rằng trước yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn 2011 - 2020 và từ thực trạng nền hành chính đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhà nước trong giai đoạn tới với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực và một hệ thống giải pháp thích hợp và đồng bộ. CCHC phải được đặt ngang tầm nhiệm vụ, đúng nghĩa là khâu đột phá chiến lược và phải được tiến hành đồng bộ trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị.
Để làm được điều đó, Chính phủ cần gấp rút hoàn thiện cải cách hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế về tổ chức, hoạt động của nền hành chính nhà nước làm cơ sở cho các địa phương hoàn thiện thể chế theo chức năng và quyền hạn của mình khi được phân cấp.
Quang Minh