Ngày 29/11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP của địa phương với các tỉnh, thành phố năm 2024.
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, đến nay tỉnh có 145 sản phẩm OCOP (31 sản phẩm 4 sao, 114 sản phẩm 3 sao). Hai sản phẩm muối tinh và muối hạt đang hoàn thành thủ tục đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Một số sản phẩm OCOP của Bạc Liêu như tôm nguyên con đông lạnh, khô cá kèo, muối, bánh phồng tôm, tôm khô, chả cá,… đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, các ngành chức năng cũng nhìn nhận, sản phẩm hàng hóa của tỉnh đa dạng nhưng đôi lúc sản lượng, chất lượng chưa ổn định, còn phụ thuộc vào thời tiết, vụ mùa, khó đáp ứng những đơn hàng lớn, liên tục.
Bên cạnh đó, mẫu mã sản phẩm, bao bì chưa bắt mắt khách hàng, câu chuyện sản phẩm còn sơ sài, chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa truyền thống để trở thành đặc trưng của địa phương nhằm thu hút tiêu thụ…
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về của địa phương, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề và lao động ở nông thôn; qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành địa phương và các chủ thể OCOP cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP; xây dựng website để tuyên truyền chương trình và quảng bá các sản phẩm OCOP;
Tăng cường công tác hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến để hoàn thiện quy trình sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, thiết kế thiết kế logo, bao bì sản phẩm, nhãn mác hàng hóa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thị trường; đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, sử dụng mã số mã vạch theo quy định.
Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh; tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế; Xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu, đặc biệt là kết nối ngay từ giai đoạn sản xuất, tạo sự kết nối giữa sản xuất - thị trường…
Tại hội nghị, các đại biểu đã có những chia sẻ những giải pháp tổ chức hiệu quả các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu; định hướng hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2025,..
Đồng thời, kiến nghị tỉnh tạo mối liên kết rộng hơn, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết được với người nông dân trong khâu cung cấp nguyên liệu sản xuất ổn định; kết nối các mạng lưới bán hàng như siêu thị, hệ thống bán lẻ…
Dịp này, tỉnh Bạc Liêu công bố Quyết định công nhận 3 bộ sản phẩm OCOP 4 sao năm 2024 cho Công ty CP Muối Bạc Liêu; Doanh nghiệp tư nhân Thanh nhãn Bạc Liêu và Cơ sở Ngọc Minh Bạc Liêu.