Sau khi vào hiện trường kiểm tra thực tế, Bộ NN&PTNN đã xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến gãy kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã là do nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên là núi, một bên là suối, đất đào và đất đắp không đồng nhất.
Cụ thể, ngày 30/12, Bộ NN&PTNN đã phát đi thông tin về sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, đoàn công tác của Bộ NN& PTNT; UBND tỉnh Thanh Hóa và các chuyên gia đã đi kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế để làm rõ nguyên nhân và kịp thời chỉ đạo các giải pháp khắc phục.
Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt gồm 2 hạng mục công trình: đập đầu mối và hệ thống kênh chính. Hợp phần công trình đầu mối hoàn thành vào tháng 11/2010 và Hợp phần Hệ thống kênh chính hoàn thành toàn bộ vào năm 2017. Trong đó, hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa được Bộ NN& PTNT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2542/QĐ-BNN-XD ngày 26/10/2011.
Đoạn kênh bị vỡ có chiều dài 70m (từ vị trí K5+170 đến K5+240) thuộc hạng mục cầu máng Sông Âm trên kênh chính Bắc sông Chu - Nam sông Mã. Đoạn kênh này được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2013 và chính thức được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2014.
Trong hơn 6 năm, hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đã vận hành đảm bảo đúng năng lực thiết kế, phát huy tốt hiệu quả cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn, dân sinh và chưa có sự cố. Tuy nhiên, vào khoảng 9h45 ngày 27/12/2020 tại vị trí K5+170 đến K5+240 đã xảy ra sự cố trượt khối đất dưới đáy kênh dẫn đến vỡ kênh.
Qua đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy, đoạn kênh nằm trên nền địa chất có cấu trúc phức tạp, một bên là núi, một bên là suối, đất đào và đất đắp không đồng nhất; đặc biệt đây là đoạn kênh đắp nổi, chiều cao lớn (khoảng 6-7m), nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp.
Hiện Bộ NN&PTNT đang giao đơn vị quản lý khai thác khẩn trương khắc phục ngay sự cố, đảm bảo đủ điều kiện cấp nước phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2021 đúng thời vụ. Chỉ đạo nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương để rà soát, đánh giá, đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố gây ra. Yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành thực hiện việc đánh giá lại toàn bộ tuyến kênh chính, cũng như công trình đầu mối, kịp thời phát hiện các vấn đề có nguy cơ, tránh xảy ra sự cố tương tự.
Việc chỉ ra nguyên nhân nhưng chưa chỉ ra được những thiếu sót của các đơn vị tham gia triển khai thực hiện một dự án trọng điểm có vốn đầu tư lên tới hơn 4.300 tỷ đồng khiến người dân, dư luận rất hoài nghi. Quá trình khảo sát, thiết kế đơn vị tư vấn phải đánh giá toàn diện về cấu trúc địa chất tại các vị trí tuyến kênh chạy qua. Từ đó khoan thăm dò, có phương án phù hợp. Đơn vị thi công phải tuân thủ việc đào, đắp, lu, lèn đất đảm bảo độ kết dính, xử lý sình, lầy, chống thấm… Sau đó mới đan sắt, đổ bê tông.
Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt - hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc hạng mục cầu máng sông Âm trên kênh chính, đoạn từ K5+305,84 - K6+ 269,8 do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 làm chủ đầu tư. Công trình khởi công tháng 9/2014, hoàn thành tháng 12/2016. Dự án Hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc gói thầu số 19 - kênh chính (K4+100,41 đến K5+305,34), địa điểm xây dựng thuộc xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Nhà thầu khảo sát xây dựng và thiết kế là Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam - CTCP. Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Nam Phương và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Phúc Thành. Đơn vị tư vấn giám sát là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3.