Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 về môi trường mang chủ đề: Thách thức môi trường và vai trò của Tòa án diễn ra trong hai ngày 13 và 14 tháng 12 năm 2014 tại Hà Nội.
Hội nghị do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đăng cai và cùng phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức. Tiếp theo những kết quả đã đạt được từ các Hội nghị trước đây, Hội nghị lần này đã thống nhất về nguyên tắc Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm thực hiện Tuyên bố tầm nhìn Jakarta.
Báo Công lý trân trọng giới thiệu toàn văn Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm thực hiện tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta (đã được thông qua về mặt nguyên tắc tại Hội nghị):
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG HÀ NỘI NHẰM THỰC HIỆN TUYÊN BỐ TẦM NHÌN CHUNG JAKARTA
(Đã được thông qua về mặt nguyên tắc)
Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ môi trường được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 13 đến 14 tháng 12 năm 2014 với sự tham gia của các Chánh án và đại diện các Tòa án tối cao Brunei Darussalam, Cam-pu-chia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hội nghị do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đăng cai tổ chức với sự phối hợp của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ môi trường được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011 và đã đạt được những kết quả sau đây:
(i) Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về môi trường được tổ chức thường niên. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại Jakarta, Indonesia năm 2011; lần thứ hai tại Melaka, Malaysia năm 2012; lần thứ ba tại Bangkok, Thái Lan năm 2013; và lần thứ tư tại Hà Nội, Việt Nam năm 2014.
(ii) Tại Hội nghị bàn tròn lần thứ nhất, Tòa án các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố tầm nhìn chung về môi trường của Tòa án các nước ASEAN (gọi tắt là Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta) và kể từ đó, Tòa án các nước ASEAN đã cùng nhau làm việc để thực hiện Tuyên bố này.
(iii) Tại Hội nghị bàn tròn lần thứ hai, Tòa án các nước ASEAN đã thống nhất thành lập một Nhóm chuyên trách nhằm xây dựng Biên bản ghi nhớ về việc thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta.
(iv) Tại Hội nghị bàn tròn lần thứ ba, Tòa án các nước ASEAN đã khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta và đề nghị thực hiện Tuyên bố này thông qua việc thành lập Nhóm Thẩm phán chuyên trách quốc gia về môi trường và Nhóm Thẩm phán chuyên trách các nước ASEAN về môi trường.
(v) Tại Cuộc họp Nhóm Thẩm phán chuyên trách các nước ASEAN về môi trường, các đại biểu tham gia đã thống nhất: (i) Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta đã khẳng định một cách nhất quán định hướng hành động ít nhất đến năm 2020, (ii) kêu gọi xây dựng một Kế hoạch hành động nhằm thực hiện các đề xuất được nêu ra trong Tuyên bố mà cho đến nay vẫn chưa xây dựng được kế hoạch hành động; (iii) yêu cầu thống nhất những kiến nghị đã được nêu ra trong Hội nghị bàn tròn lần thứ 3 và Cuộc họp Nhóm Thẩm phán chuyên trách các nước ASEAN về môi trường lần thứ nhất để xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta.
Tiếp theo những đề xuất và kiến nghị nêu trên, Chánh án và đại diện Tòa án tối cao các nước ASEAN thống nhất kế hoạch hành động sau đây:
(i) Nhóm công tác quốc gia về môi trường: Tòa án các nước ASEAN thống nhất về tầm quan trọng của việc thành lập Nhóm công tác quốc gia về môi trường tại mỗi hệ thống Tòa án và nhất trí những nội dung dưới đây liên quan đến việc thành lập và quản lý hoạt động của các Nhóm công tác này:
a. Các Nhóm công tác quốc gia về môi trường (i) được thành lập trước Hội nghị bàn tròn lần thứ 4 và (ii) trên cơ sở cân nhắc đặc điểm khác nhau tại từng nước.
b. Đối với những nước có diện tích lớn và đông dân số và có nhiều vụ án về môi trường, có thể thành lập thêm các Ủy ban công tác cấp tỉnh trực thuộc Nhóm công tác quốc gia đặt tại các tỉnh/hải đảo nhằm đảm bảo mạng lưới Thẩm phán xuyên suốt trên toàn quốc.
c. Bổ nhiệm Chủ tịch Nhóm công tác quốc gia.
d. Chủ tịch Nhóm công tác quốc gia sẽ là đại diện của nước đó tham gia Nhóm công tác ASEAN về môi trường.
e. Nhóm công tác quốc gia sẽ làm việc để thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta, đây là cơ sở hình thành nội dung chương trình làm việc chính của Nhóm công tác theo mục tiêu thành lập.
f. Nhóm công tác quốc gia sẽ xây dựng danh sách các Thẩm phán chuyên trách, nhân chứng khoa học và nhân chứng chuyên gia về môi trường.
g. Nhóm công tác quốc gia sẽ lập danh sách và thu thập (i) những vụ án môi trường quan trọng, (ii) văn bản pháp luật về môi trường và chia sẻ những tài liệu này với Mạng lưới Thẩm phán châu Á về môi trường để đưa lên website của Mạng lưới.
h. Nhóm công tác quốc gia sẽ xác định những vấn đề pháp lý phát sinh của Tòa án khi giải quyết những vấn đề môi trường xuyên quốc gia.
i. Nhóm công tác quốc gia sẽ xác định những vấn đề phát sinh của Tòa án khi giải quyết những vấn đề môi trường (mâu thuẫn giữa Thẩm phán/cơ quan hành pháp).
j. Ngân hàng ADB sẽ hỗ trợ các Nhóm công tác quốc gia thông qua hoạt động đánh giá nhu cầu hỗ trợ của từng nước về pháp luật và thực thi pháp luật môi trường, thống nhất với từng hệ thống Tòa án mỗi nước để xác định những nhu cầu về việc thành lập tòa chuyên trách về môi trường của Tòa án mỗi nước.
(ii) Nhóm công tác ASEAN về môi trường: Tòa án các nước ASEAN công nhận việc thành lập Nhóm Thẩm phán chuyên trách ASEAN về môi trường với lần họp lần đầu tiên được tổ chức trong hai ngày, từ ngày 15-16 tháng 9 năm 2014; đồng thời thống nhất Nhóm Thẩm phán chuyên trách về môi trường sẽ được điều hành như sau:
a. Chủ tịch Nhóm công tác quốc gia về môi trường sẽ được chỉ định là Cố vấn quốc gia đại diện cho nước đó tham gia vào Nhóm công tác ASEAN về môi trường.
b. Nếu tại nước ASEAN nào không thành lập Nhóm công tác quốc gia, Chánh án nước đó sẽ chỉ định đại diện làm Cố vấn quốc gia tham gia vào Nhóm công tác ASEAN.
c. Nhóm công tác ASEAN sẽ làm việc để thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta, đây là cơ sở hình thành nội dung chương trình làm việc chính của Nhóm công tác theo mục tiêu thành lập.
d. Mỗi hệ thống Tòa án các nước ASEAN sẽ cử hai đại diện tham gia Cuộc họp Nhóm công tác ASEAN về môi trường, trong đó có một đại diện nắm vững thông tin và hoạt động của Hội nghị chuyên đề Thẩm phán châu Á về môi trường và Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về môi trường nhằm đảm bảo tính liên tục trong những hoạt động này, đại diện còn lại là người chưa từng tham gia các hoạt động này trước đây.
e. Mỗi đại diện sẽ (i) cam kết chia sẻ những thông tin và kiến thức thu được với các đồng nghiệp sau khi tham gia Cuộc họp và (ii) nộp báo cáo lên Chánh án.
f. Cuộc họp Nhóm công tác ASEAN về môi trường lần đầu tiên được tổ chức trong năm 2014 và từ năm 2015, Nhóm công tác ASEAN dự kiến sẽ họp hai lần một năm, một cuộc họp trước khi Hội nghị bàn tròn diễn ra nhằm thúc đẩy hợp tác và chuẩn bị chương trình làm việc của Hội nghị, cuộc họp thứ hai sẽ được diễn ra ngay trước khi Hội nghị bàn tròn khai mạc.
g. Nhóm công tác ASEAN sẽ lập một danh sách email để đảm bảo việc trao đổi thông tin và sắp xếp những cuộc gặp qua điện thoại khi cần thiết với sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển châu Á.
h. Nhóm công tác ASEAN về môi trường gồm các đại diện trong Phụ lục 1.
(iii) Ưu tiên sự tham gia của Chánh án các nước ASEAN tại Hội nghị bàn tròn hàng năm: Để khuyến khích sự tham gia của các Chánh án tại các kỳ Hội nghị bàn tròn, đại diện tham dự Cuộc họp Nhóm công tác ASEAN về môi trường sẽ (i) xác định các vấn đề mà Chánh án mỗi nước muốn đưa vào chương trình Hội nghị bàn tròn; (ii) thông báo cho Nhóm công tác ASEAN khoảng thời gian Chánh án của nước đó có thể tham dự Hội nghị bàn tròn và nước chủ trì hội nghị nên thông báo về thời hạn này; và (iii) báo cáo kết quả Cuộc họp Nhóm công tác ASEAN về môi trường lên Chánh án và những lý do cần phải có sự tham gia của các Chánh án tại các kỳ Hội nghị bàn tròn; và (vi) cân nhắc việc tổ chức sự kiện này kết hợp với Hiệp hội Luật châu Á và Cuộc họp các Chánh án ASEAN vừa mới được thành lập gần đây.
(iv) Nộp báo cáo tiến độ thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta: Tòa án các nước ASEAN thống nhất rằng mỗi hệ thống Tòa án sẽ báo cáo kết quả thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta tại mỗi Cuộc họp Nhóm công tác ASEAN và mỗi kỳ Hội nghị bàn tròn.
(v) Chương trình nhân rộng kinh nghiệm về xét xử các vụ án môi trường: Tòa án các nước ASEAN thống nhất rằng Tòa án các nước ASEAN sẽ xem xét chương trình nhân rộng kinh nghiệm xét xử các vụ án môi trường.
(vi) Tham khảo khung quy định về thủ tục xét xử án môi trường: Tòa án các nước ASEAN đồng ý cung cấp khung/mẫu các quy định tố tụng để các quốc gia có thể tham khảo thủ tục xét xử án môi trường từ các quốc gia đã xây dựng khung quy định này (như Indonesia, Phillipines và Thái Lan).
(vii) Soạn thảo báo cáo Hội nghị: Tòa án các nước ASEAN đồng ý rằng Báo cáo Hội nghị cần được soạn thảo sau mỗi kỳ họp, như đã thực hiện trong 3 kỳ Hội nghị bàn tròn trước và điều này nên được tiếp tục thực hiện và được dịch sang các thứ tiếng của các nước ASEAN.
(viii) Tham khảo ý kiến các chuyên gia: Tòa án các nước ASEAN đồng ý mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học tham gia các hội nghị, hội thảo có liên quan đến chuyên đề để tham khảo.
(ix) Luân phiên vị trí Chủ tịch Hội nghị bàn tròn mỗi năm một lần: Tòa án các nước ASEAN thống nhất duy trì cơ chế luân phiên vị trí Chủ tịch Hội nghị bàn tròn mỗi năm một lần.
(x) Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Hội nghị bàn tròn: Tòa án các nước ASEAN đồng ý về vấn đề đảm bảo tính liên tục trong việc tổ chức Hội nghị bàn tròn và các nước đăng cai tổ chức Hội nghị bàn tròn sẽ chia sẻ kinh nghiệm tổ chức với những nước đăng cai tiếp theo.
(xi) Nâng cao chất lượng nội dung website của Mạng lưới Thẩm phán châu Á về môi trường: Tòa án các nước ASEAN đồng ý rằng mỗi hệ thống Tòa án các nước ASEAN sẽ chia sẻ các văn bản pháp luật về môi trường lên website của Mạng lưới và Nhóm công tác quốc gia sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
(xii) Mạng lưới Thẩm phán châu Á về môi trường (AJNE): Tòa án các nước ASEAN thống nhất về những nội dung liên quan đến vấn đề quản trị và chức năng của Mạng lưới AJNE:
(a) Ban chỉ đạo /Ban cố vấn: Tòa án các nước ASEAN đồng ý (i) thành lập Nhóm công tác quốc gia trong khuôn khổ Nhóm công tác ASEAN; và (ii) Nhóm công tác ASEAN sẽ cử hai đại diện tham gia Ban chỉ đạo gồm có 1 đại diện của nước chủ nhà tổ chức Hội nghị bàn tròn trong năm đó và 1 đại diện của nước tổ chức Hội nghị bàn tròn năm trước đó. Mục đích của việc cử đại diện là để tránh sự trùng lặp trong hoạt động giữa Ban chỉ đạo Mạng lưới Thẩm phán châu Á và Nhóm công tác ASEAN, cũng như để đảm bảo chất lượng hoạt động.
(b) Đại diện tham gia Ủy ban: Tòa án các nước ASEAN đồng ý rằng các thành viên đại diện sẽ chịu trách nhiệm: (i) đóng góp ý kiến xây dựng chương trình Hội nghị chuyên đề; (ii) đóng góp của từng hệ thống Tòa án nhằm xây dựng website Mạng lưới AJNE; (iii) đảm bảo việc gửi thông tin tài liệu kịp thời; (iv) báo cáo cho Nhóm công tác ASEAN những nội dung thảo luận chính của Ủy ban; và (v) đảm bảo rằng Mạng lưới AJNE xây dựng một chương trình đào tạo và các vấn đề nguồn lực khác phù hợp với bối cảnh và văn hóa pháp lý của từng hệ thống Tòa án.
(c) Ban Thư ký Hội nghị: Tòa án các nước ASEAN đồng ý Ngân hàng Phát triển châu Á tạm thời giữ vai trò Ban thư ký trong vòng hai năm tới.
(d) Tuyên bố tầm nhìn: Tòa án các nước ASEAN đồng ý rằng Tuyên bố tầm nhìn Mạng lưới AJNE cũng tương tự như Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta trên cơ sở nhận định Tuyên bố Nam Á Bhurban phù hợp với Tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta và những vấn đề về môi trường, về pháp lý của các nước châu Á đều là những vấn đề chung.
(e) Nội dung, công cụ và hỗ trợ hoạt động: Tòa án các nước ASEAN thừa nhận rằng không phải tất cả các Thẩm phán trong khu vực đều có thể tiếp cận internet. Ngoài ra, cho dù những Thẩm phán có thể tiếp cận internet thì trình độ tiếng Anh của Thẩm phán tại một số nước sẽ hạn chế hiệu quả sử dụng và các tài liệu cần được dịch ra tiếng nước đó nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
(f) Diễn đàn trực tuyến về môi trường: Tòa án các nước ASEAN cho rằng việc trao đổi trực tuyến là một kênh trao đổi tốt, có tính khả thi.
(g) Sổ tay Thẩm phán: Tòa án các nước ASEAN thống nhất rằng Sổ tay Thẩm phán của từng nước sẽ được xây dựng dựa trên hệ thống văn bản pháp luật và tố tụng của nước đó và sẽ được quyết định trên cơ sở đánh giá nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, việc xây dựng một cuốn tài liệu tham khảo pháp luật quốc tế sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.
(h) Dịch tài liệu: Tòa án các nước ASEAN khẳng định nhu cầu dịch tài liệu sang ngôn ngữ của từng nước, trình bày theo hình thức và văn phong phù hợp.
(i) Thành phần, nội dung và hình thức đào tạo: Các nước ASEAN đồng ý với những đề xuất chung về đào tạo, đồng thời cho rằng hoạt động đào tạo sẽ được thực hiện trên cơ sở đánh giá nhu cầu quốc gia do Ngân hàng phát triển châu Á thực hiện tại từng nước.