Chiều 26/1, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo Khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ cộng đồng.
Tại hội thảo, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong năm 2020, thời tiết có những biến động rất mạnh, đầu năm chịu ảnh hưởng của hiện tượng Elnino; tháng 8/2020 chuyển sang trạng thái La Nina; nhiệt độ trung bình năm 2020 trên thế giới được xếp hạng là một trong những năm nóng.
Nhận định xu thế thiên tai 2021, ông Năng cho biết, ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina đến khoảng tháng 4-5/2021, sau đó chuẩn nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương có khả năng tăng dần và nhiều khả năng chuyển sang trạng thái trung tính vào các tháng cuối nửa cuối năm 2021.
Theo ông Năng, xoáy thuận nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm trên Biển Đông, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN); Nửa đầu mùa (tháng 6-8/2021) xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng 9-11/2021) sẽ tập trung ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông và ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ trở vào phía nam.
Nhiệt độ trung bình trong năm 2021 có xu hướng từ xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm; riêng các tháng cuối năm có xu hướng ở mức xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng ở các khu vực có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên không gay gắt và kéo dài như năm 2020...
Về lượng mưa, 6 tháng đầu năm 2021, lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm; 6 tháng cuối năm 2021 có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực Bắc Bộ vào các tháng 7, 8 và 9-2021…
Về tình hình thời tiết dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, ông Trần Quang Năng thông tin, khoảng ngày 2/2 (tức 21 tháng Chạp năm Canh Tý) sẽ có một đợt không khí lạnh yếu ảnh hưởng tới các tỉnh, thành phố miền Bắc. Do vậy, các tỉnh, thành phố miền Bắc có khả năng rét về đêm và sáng trong các ngày 3 và 4/2.
Sau đó, khoảng ngày 5 và 6/2 (tức 24 và 25 tháng Chạp năm Canh Tý), các tỉnh, thành phố miền Bắc tiếp tục chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh yếu, lệch hướng Đông. Khoảng ngày 8/2 (27 tháng Chạp năm Canh Tý) trở đi không khí lạnh sẽ suy yếu.
Ông Năng đưa ra nhận định, ít có khả năng xảy ra thiên tai nguy hiểm trong dịp Tết Tân Sửu 2021. Rất ít khả năng xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá như Tết Canh Tý 2020.
Thông tin thêm về tình hình thời tiết năm 2021 so với những năm trước, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng có những theo dõi thời tiết trong 2 ngày Tết (ngày 30 và mồng 1 Tết) trong 30 năm trở lại đây thì kết quả cho thấy có 8 năm xảy ra rét hại (gồm các năm 1993,1995, 1996,1997, 1998, 2004, 2008, 2012), 2 năm xảy ra rét đậm (năm 2011 và 2013). Từ 2014 trở lại đây thì nhiệt độ dao động từ 15 độ C, không còn xảy ra rét đậm, rét hại".
Ông Lâm nhấn mạnh: "2 ngày Tết của những năm gần đây thời tiết không còn rét đậm rét hại và Tết năm 2021 cũng nhiều khả năng không còn rét đậm rét hại. Do đó, chúng tôi đánh giá, nhiệt độ đang có xu hướng ấm dần lên. Đây là biểu hiện của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu mà hiện tượng mưa đá trong dịp Tết Canh Tý 2020 là biểu hiện điển hình".
Tại Hội thảo “Khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ cộng đồng” do Tổng cục KTTV tổ chức chiều 26/1, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, đơn vị mới ra mắt ứng dụng thời tiết trên nền tảng điện thoại di dộng.
Cụ thể, người dân có thể tải app thời tiết VN-KTTV Việt Nam trên nền tảng IOS hoặc Android để tiếp cận nguồn thông tin chính thống từ Tổng cục KTTV từ quan trắc, tới dự báo và cảnh báo.
App này sẽ liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông sét, ngập úng, lũ quét…
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết: “Tính năng thông báo tức thời cho người dùng khi có cảnh báo thiên tai tại địa điểm người dùng quan tâm hoặc vị trí hiện tại của người dùng. Phần thời tiết hiện tại được lấy từ các trạm quan trắc truyền thống khí tượng trực thuộc tại 63 tỉnh, thành phố và các trạm thủ công quan trắc thời tiết theo quy định”.
Tất cả thông tin dự báo nhiệt độ, xác suất mưa… sẽ được cập nhật hàng giờ, hàng tuần ở tất cả các địa phương. Ngoài ra, người dân sẽ nhận được cảnh báo trên điện thoại khi thời tiết tại nơi người dân sinh sống hoặc quan tâm xảy ra thời tiết nguy hiểm như mưa đá, dông lốc…
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết thêm, trong thời gian tới, ngoài dự báo về chỉ số tia UV, thì Tổng cục KTTV sẽ bổ sung số liệu quan trắc về chất lượng không khí để người dân biết khi nào không nên ra đường.