Ít ca nhiễm mới, số ca khỏi bệnh nhiều, dịch trong nước vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào

Xuân Lan| 07/04/2020 16:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều tin vui đến trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam trong những ngày qua, nhưng theo các chuyên gia nguy cơ tiềm ẩn không ít rủi ro. Thủ tướng cũng nêu rõ, chúng ta cần chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm COVID-19.

Ít ca nhiễm mới, số ca khỏi bệnh nhiều, dịch trong nước vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào

Niềm vui của y, bác sỹ và bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngày được xuất viện. Ảnh VOV

Giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát dịch bất cứ lúc nào

Tính đến 9h ngày 7/4/2020, trên thế giới dịch bệnh COVID-19 đã lan ra 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 1.345.653 người mắc, 74.644 người tử vong. Tại Đông Nam Á, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh, với tổng số ca mắc là 14.068, số ca tử vong là 468.

Hiện Việt Nam đứng thứ 99/210 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực ASEAN với 245 ca bệnh COVID-19, chưa có trường hợp tử vong. Thời điểm này, tại Việt Nam đã có tổng cộng 122 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm tỷ lệ 49,7%). 

Đặc biệt Việt Nam cũng đã bước sang ngày thứ 7 thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và liên tiếp 3 buổi sáng (từ 5-7/4) không có ca mắc mới COVID-19.

Những kết quả đó cho thấy, các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 của Việt Nam đang hiệu quả. Đánh giá về tình hình phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế cho rằng, những ngày qua, Việt Nam có ít ca nhiễm mới hơn, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều, một số bệnh nhân nặng tiến triển tích cực, nhiều người ca ngợi trình độ của y tế Việt Nam.

Việc triển khai Chỉ thị 16 được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là rất hiệu quả, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chuyển động xã hội vừa qua rất lớn, có thể nói là thay đổi cả nếp sống để ngăn ngừa dịch bệnh.

Tuy nhiên, dịch bệnh hiện đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, các địa phương cần làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng, giữ vững thế chủ động chống dịch. Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm về phòng, chống COVID-19.

Bộ Y tế nhấn mạnh: Chiến lược phòng chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị hay nói cách khác là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị, hạn chế tử vong.

Phải tìm, phát hiện các ca trong cộng đồng

Liên quan công tác phòng chống COVID-19, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam (PHEOC) khẳng định thời gian qua, số ca mắc COVID-19 ở nước ta chủ yếu là những trường hợp nhập cảnh đến/về Việt Nam. Ngoài ra, những ca trong khu cách ly cũng là lây từ các ca nhập cảnh hoặc phát hiện từ cộng thì liên quan đến các ổ dịch như Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh...

Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu: “Hiện giờ là lúc phải tìm, phát hiện các ca trong cộng đồng. Đây là biện pháp khả quan bởi đến nay dịch COVID-19 chưa bùng phát trong cộng đồng”, ông nói.

Về việc dịch COVID-19 chưa bùng phát ở Việt Nam Phó giáo sư Trần Đắc Phu đồng quan điểm với nhiều chuyên gia cho rằng, là do các lực lượng chức năng đã, đang làm tốt việc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, trong đó có việc cách ly 14 ngày đối với khách nhập cảnh.

Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nếu nói rằng giai đoạn đầu chỉ làm chậm lại quá trình phát triển chứ không quyết định việc bùng phát dịch COVID-19, thì cũng có thể khẳng định Việt Nam đã làm tốt. Bởi, ở một số quốc gia, chỉ trong một vài tuần, số bệnh nhân đã tăng lên hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn ca (như tại Hoa Kỳ, Italy).

Tại Việt Nam, thời gian qua, các lực lượng tham gia nhanh chóng và xử lý kịp thời việc dập dịch ở các ổ dịch như tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (Thành phố Hồ Chí Minh).

"Phải nói rằng Việt Nam đã làm quyết liệt từ sớm. Trong giai đoạn hiện nay chúng ta không thể chủ quan, lơ là và phải làm quyết liệt hơn việc cách ly xã hội như giãn cách xã hội, giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp," ông Phu nhấn mạnh.

Cũng theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu, việc giãn cách xã hội mục đích chính để không cho người mắc COVID-19 tiếp xúc với người khỏe mạnh và ngược lại cũng không để cho người khỏe mạnh đến chỗ lây nhiễm. Người mang bệnh, có mầm bệnh không lây cho người khác, gia đình này không lây cho gia đình khác...

Như vậy, người dân cần chung một tinh thần cách ly "tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó" ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm.

Chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm COVID-19

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona ngày 6/4, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Vũ Đức Đam nói, có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh. Có được điều đó vì chúng ta có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng. Đặc biệt và trên hết là nhờ có sự tham gia của Nhân dân ta với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. 

Ít ca nhiễm mới, số ca khỏi bệnh nhiều, dịch trong nước vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 6/4

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quán triệt tinh thần, tuyệt đối không được chủ quan, không để vấp phải sai lầm do chủ quan, coi thường, nhất là khi xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới.

Thủ tướng nêu rõ, từ nay đến ngày 15/4, cả hệ thống chính trị bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm COVID-19 mà nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả tại nước mình, thậm chí họ phải tuyên bố biện pháp mạnh hơn.

Kinh nghiệm từ những nước đó cũng là bài học cho chúng ta không được chủ quan, coi thường đối với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tìm cho được các ca F0, truy tìm mọi dấu vết của 2 ổ dịch ở TPHCM và Hà Nội.

Các địa phương cần làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng. “Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe của nhân đân”. Thủ tướng nói, nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ít ca nhiễm mới, số ca khỏi bệnh nhiều, dịch trong nước vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào