Iran và Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán hạt nhân hôm 12/4 tại Oman - cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Các đặc phái viên cho biết, cuộc trao đổi mang tính xây dựng và nhiều cuộc đàm phán hơn đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 19/4.
Iran và Mỹ sẽ tổ chức nhiều cuộc đàm phán hơn vào tuần tới về chương trình hạt nhân đang phát triển nhanh chóng của Tehran, truyền hình nhà nước Iran ngày 12/4 đưa tin vào cuối vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Đài truyền hình nhà nước Iran tiết lộ, đặc phái viên Trung Đông của Mỹ Steve Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã "nói chuyện ngắn gọn" với nhau - cuộc nói chuyện trực tiếp đầu tiên giữa hai nước kể từ chính quyền Obama.
Tuyên bố của Tehran rằng hai bên đã nói chuyện trực tiếp - dù chỉ trong thời gian ngắn - cho thấy các cuộc đàm phán đã diễn ra tốt đẹp ngay cả với truyền hình nhà nước Iran, từ lâu đã bị kiểm soát bởi đường lối cứng rắn.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều 12/4, Nhà Trắng mô tả các cuộc thảo luận là "rất tích cực và mang tính xây dựng", trong khi thừa nhận các vấn đề cần được giải quyết "rất phức tạp".
"Thông tin liên lạc trực tiếp của Đặc phái viên Witkoff hôm nay là một bước tiến trong việc đạt được một kết quả cùng có lợi", Nhà Trắng cho biết.
Vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào thứ Bảy tuần tới, ngày 19/4, theo các tuyên bố của Iran và Mỹ.
Vòng đàm phán đầu tiên này bắt đầu vào khoảng 3h30 chiều địa phương. Hai bên đã nói chuyện trong hơn 2 giờ tại một địa điểm ở ngoại ô Muscat, thủ đô của Oman, kết thúc các cuộc đàm phán vào khoảng 5h50 chiều theo giờ địa phương.
Tổng thống Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ ra lệnh thực hiện các cuộc không kích nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran nếu không đạt được thỏa thuận. Các quan chức Iran cảnh báo rằng họ có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân với kho dự trữ uranium được làm giàu đến mức gần cấp vũ khí.
Mặc dù phía Mỹ có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, nhưng vẫn chưa rõ Iran sẽ sẵn sàng nhượng bộ bao nhiêu.
Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran chỉ có thể duy trì một kho dự trữ nhỏ uranium được làm giàu đến 3,67%. Ngày nay, kho dự trữ của Tehran có thể cho phép chế tạo nhiều vũ khí hạt nhân nếu muốn và Iran có một lượng uranium được làm giàu lên đến 60%, một bước tiến kỹ thuật không còn xa để đạt đến cấp độ chế tạo vũ khí hạt nhân là 90%.
Đánh giá từ các cuộc đàm phán kể từ khi ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm 2018, Iran có thể sẽ yêu cầu tiếp tục làm giàu uranium lên đến ít nhất 20%.
Một điều họ sẽ không làm là từ bỏ hoàn toàn chương trình của mình. Điều đó làm cho đề xuất của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về cái gọi là giải pháp Libya - "đi vào, cho nổ tung các cơ sở, tháo dỡ tất cả các thiết bị, dưới sự giám sát của Mỹ " - không thể thực hiện được.