Ngày 23/12, Indonesia đã làm thủ tục xuất cảnh để trao trả 42 ngư dân Việt Nam về nước.
Tiễn các ngư dân tại sân bay quốc tế Sukarno Hatta có Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cùng các cán bộ Sứ quán. Đây là đợt trao trả ngư dân thứ 47 và có số lượng đông nhất trong năm nay.
Trong năm nay, Đại sứ quán đã nỗ lực hoàn thành các thủ tục và đưa được 666 ngư dân về nước đoàn tụ với gia đình. Ngày 20/12 vừa qua, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn và cán bộ Sứ quán cũng đã có chuyến công tác đi thăm, gặp gỡ và tặng quà các ngư dân Việt Nam bị giam giữ tại Nhà tù Tanjung Pinang trên đảo Batam.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn dặn dò các ngư dân.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn khẳng định Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam luôn quan tâm đến công tác bảo hộ công dân và sẽ làm hết sức mình để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của ngư dân bị Indonesia bắt giữ. Đại sứ dặn dò ngư dân giữ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chấp hành luật pháp Indonesia khi bị giam giữ và khi được trả về thì không tái phạm.
Nhìn chung, ngư dân Việt Nam còn thiếu kiến thức pháp luật vì vậy rất dễ dẫn đến việc vi phạm vùng biển nước khác trong quá trình đánh bắt xa bờ. Hầu hết các ngư dân bị bắt chưa hình dung hết những gì mình sẽ phải đối mặt khi đánh bắt cá trong Vùng Đặc quyền kinh tế của Indonesia như bị tịch thu ngư cụ và bị bắt giam.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, trong năm 2015, Indonesia đã bắt giữ 59 tàu, thuyền và 659 ngư dân của Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia. Con số này tăng gấp 3 lần so với những năm trước đây. Với chính sách cứng rắn của Chính quyền Tổng thống Joko Widodo, đã có hơn 30 tàu của Việt Nam bị phá hủy hoặc đánh trong tổng số hơn 100 tàu nước ngoài vi phạm bị Indonesia bắt giữ. Các đợt trao trả ngư dân đều có sự nỗ lực của các cán bộ Đại sứ quán trong công tác bảo hộ công dân.
Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của Đại sứ quán trong công tác bảo hộ công dân đối với các ngư dân bị Indonesia bắt giữ, các địa phương của Việt Nam cũng như các chủ tàu cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn để ngư dân nắm rõ luật pháp của Indonesia, đồng thời hiểu biết về ranh giới địa lý, biên giới vùng biển của các nước trong khu vực khai thác để tránh vi phạm vùng chủ quyền của nước khác.