Ngày 4/9, Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (IAEA) cho biết, họ thất vọng vì Iran “không đạt được tiến bộ” nào trong các vấn đề còn tồn đọng, bao gồm việc lắp đặt thêm camera để giám sát chương trình hạt nhân của Tehran.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi "yêu cầu Iran hợp tác với IAEA để thực hiện các cam kết một cách nghiêm túc và bền vững", cơ quan này cho biết trong một báo cáo.
Tehran hồi tháng 3 tuyên bố sẽ kích hoạt lại các thiết bị giám sát đã bị ngắt kết nối vào tháng 6 năm 2022 trong bối cảnh mối quan hệ với phương Tây xấu đi.
Trong một báo cáo khác, IAEA cho biết tổng kho dự trữ uranium đã làm giàu của Iran thấp hơn so với tháng 5 nhưng vẫn cao hơn 18 lần so với giới hạn đặt ra trong Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới.
Cơ quan này cho biết tổng kho dự trữ uranium đã làm giàu của Iran ước tính đạt 3.795,5 kg (8.367,7 pound) tính đến ngày 19/8, giảm 949 kg so với tháng 5. Giới hạn trong Thỏa thuận năm 2015 được đặt ra ở mức 202,8 kg.
Kho dự trữ uranium được làm giàu tới 60% hiện ở mức 121,6 kg, tăng từ mức 114,1 kg trong tháng 5.
Iran cũng có 535,8 kg uranium được làm giàu lên tới 20%, tăng từ mức 470,9 kg trong báo cáo tháng 5 năm ngoái.
Thỏa thuận mang tính bước ngoặt năm 2015 - hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt - bắt đầu tan vỡ vào năm 2018 khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp dụng lại các lệnh trừng phạt.
Những nỗ lực nhằm vực dậy nó - đưa Washington trở lại thỏa thuận và thu hẹp quy mô chương trình của Tehran một lần nữa - cho đến nay vẫn không có kết quả khi các cuộc đàm phán do châu Âu dẫn đầu bị đình trệ kể từ năm 2022.
Căng thẳng giữa Tehran và Washington đã giảm bớt vào tháng trước với thông báo về thỏa thuận Iran thả 5 tù nhân Mỹ để nhận lại 6 tỷ USD tiền Iran bị đóng băng ở Hàn Quốc. Nhưng thỏa thuận này không bao gồm khả năng quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.