Quỹ bình ổn tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (EFSF) tuyên bố hôm 3/7, Hy Lạp chính thức mất khả năng thanh toán.
Tuyên bố này được đưa ra trước thềm cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp, về chính sách kinh tế khắc khổ nhưng chưa yêu cầu Athens phải thanh toán ngay các khoản nợ.
Việc đưa ra tuyên bố trên gây ra những quan ngại sâu sắc và dẫn tới hệ quả gay go cho nền kinh tế, cũng như chính phủ và người dân Hy Lạp, theo ông Klaus Regling - Giám đốc EFSF.
Hy Lạp đã chính thức mất khả năng thanh toán
Động thái này có thể khiến Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone ngay lập tức, kéo theo nhiều hệ lụy cho khu vực.
EFSF có chức năng hỗ trợ các quốc gia thành viên Eurozone gặp khó khăn và hiện quản lý số nợ cũng như trái phiếu chính phủ của Hy Lạp với tổng trị giá lên tới 144,6 tỷ euro (160 tỷ USD). Sắp tới, EFSF sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước trong Eurozone, Ủy ban châu Âu (EC) và IMF về vấn đề nợ của Hy Lạp.
Vào ngày 5/7, Hy Lạp sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về chính sách "thắt lưng buộc bụng" theo yêu cầu của các chủ nợ. Trong khi đó, người dân nước này vẫn chưa ngã ngũ về việc nên ủng hộ hay phản đối.
Theo chủ tịch EC, Jean-Claude Juncker, trong cuộc đàm phán với chủ nợ, Hy Lạp sẽ bị yếu thế. Ngay cả khi người dân trả lời “có” hay “không” trong cuộc trưng cầu dân ý lần này.
Tuy vậy, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn cam kết sẽ tôn trọng quyết định của người dân và tiến hành bước đi cần thiết theo Hiến pháp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Gianis Varoufakis cảnh báo rằng, nếu câu trả lời của người dân là “có” với kế hoạch khắc khổ, thì chính phủ sẽ từ chức.
Trước đó, ngày 3/7, Thủ tướng Tsipras kêu gọi các chủ nợ quốc tế xóa 30% nợ cho Hy Lạp và gia hạn thanh toán 20 năm cho 70% số nợ còn lại nhằm đảm bảo khả năng chi trả trong tương lai.
Hiện nợ quốc gia của Hy Lạp đã lên tới 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).