Để góp phần xoa dịu nỗi đau, chia sẻ những mất mát cùng nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Diễn Châu, Nghệ An có nhiều cách làm hay, huy động tốt các nguồn lực xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp các nạn nhân vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Huyện Diễn Châu hiện có hơn 1500 nạn nhân chất độc da cam, nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thấu hiểu nỗi đau thể xác và tinh thần của các nạn nhân chất độc gia cam, những năm qua, các cấp Hội Nạn nhân Chất độc gia cam/dioxin trong huyện luôn ra sức vận động các nguồn lực để chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam và giúp đỡ gia đình họ.
Tuy mang trên mình nhiều di chứng mà chất độc da cam để lại nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thanh Tùng ở xóm 11, xã Diễn Thành vẫn nỗ lực từng ngày để vừa chiến thắng bệnh tật và ổn định cuộc sống.
Từ hỗ trợ ban đầu của Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin số tiền 48 triệu đồng, ông đã mở được một xưởng nhỏ chuyên may thảm lau chân. Cơ sở ban đầu thu hút hơn 10 người, trong đó có cả những người khuyết tật.
Sau gần 10 năm duy trì hoạt động, cơ sở tạo việc làm cho 30 công nhân, thu nhập của ông Tùng cũng ổn định với hơn 150 triệu đồng/năm. Ông Tùng chia sẻ: Các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức gia cam từ xã đến huyện rất quan tâm, đầu tư cho gia đình xây dựng xưởng, đầu tư tiền để gia đình tạo việc làm cho con em hội viên.
Theo thống kê của Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin huyện thì hầu hết nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam đều có hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, cùng với các cấp, ngành, các cấp hội đã tích cực vận động để chăm lo cho các nạn nhân, nhất là về nhà ở. Bằng các nguồn quỹ cũng như huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cộng đồng. Từ năm 2020 đến nay đã có 15 hội viên được hỗ trợ xây nhà.
Hoàn cảnh gia đình ông Hồ Phi, xóm 14 xã Diễn Trung huyện Diễn Châu hết sức khó khăn, thường xuyên đau ốm, người con gái của ông cũng bị di chứng chất độc da cam từ bố, không có khả năng lao động.
Trước hoàn cảnh đó, năm 2020, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin Diễn Châu đã trích quỹ hỗ trợ số tiền 30 triệu đồng, tạo động lực để gia đình ông Phi xây dựng ngôi nhà mới có diện tích 90m2, với tổng trị giá gần 200 triệu đồng.
Từ khi được ở trong ngôi nhà mới vững chãi, không phải lo lắng khi mùa mưa bão đến, ông Phi lại có thêm động lực lớn để vượt qua bệnh tật.
Ông Phi chia sẻ: Có được niềm vui đó, là nhờ được Hội Nạn nhân Chất độc da cam Điôxin Diễn Châu và hàng chục ngày công của bà con láng giềng. Có ngôi nhà mới gia đình yên lòng không lo mưa nắng vật vả mà tập trung làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Diễn Mỹ là xã có số nạn nhân chất độc da cam nhiều nhất huyện với 86 người, trong đó có 40 người là nạn nhân trực tiếp còn lại là thế hệ thứ 2.
Ông Hoàng Hoa Thám - Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin xã Diễn Mỹ cho biết: Cùng với tích cực xã hội hóa để đảm bảo đời sống, nhà ở cũng như học hành của các hội viên thì Hội còn rất chăm lo đến sức khỏe cho hội viên. Mỗi năm một lần, tất cả các hội viên đều được đi thăm khám sức khỏe, điều trị tại các cơ sở y tế.
Hoạt động trợ giúp, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội. Các đối tượng nạn nhân chất độc da cam thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, bệnh tật, dị dạng, khó khăn nhiều mặt về đời sống… đã được cộng đồng quan tâm hỗ trợ bằng cả vật chất lẫn tinh thần.
Từ năm 2020, tổng trị giá chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc gia cam trên 5 tỷ đồng, bao gồm các hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà, giúp vốn sản xuất, tặng quà, chăm sóc sức khỏe…
Ông Cao Đăng Niên - Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc gia cam/dioxin huyện Diễn Châu cho biết: Thường trực Huyện hội thường xuyên sâu sát cơ sở cũng như hội viên để giúp đỡ họ một cách thiết thực nhất. Huy động các nguồn lực xã hội tạo điều kiện cho nạn nhân gia cam vượt lên chiến thắng bệnh tật, nghèo đói vươn lên.
Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đa phần có sức khỏe, trí tuệ rất kém nên cần được hỗ trợ rất lớn trong thời gian dài. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà trước hết là hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" với những người có công với nước, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," nêu cao truyền thống "Thương người như thể thương thân" của dân tộc.