Trong kỳ SEA Games lần thứ 22 tổ chức tại Việt Nam, Trâu Vàng đã được lựa chọn là linh vật của sự kiện thể thao lớn trong khu vực Đông Nam Á. Trâu Vàng (còn gọi là Kim Ngưu) gắn với sự tích Hồ Tây của Thủ đô Hà Nội, tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt.
Từ Trâu Vàng - Linh vật SEA Games 22
Từ năm 1989, Thế vận hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) được tổ chức lần đầu tiên ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Trong kỳ SEA Games này, Kuala Lumpur lựa chọn linh vật (Mascot) là một chú rùa - một biểu tượng mới để tượng trưng cho đất nước Malaysia.
Qua mỗi kỳ SEA Games, mỗi quốc gia Đông Nam Á lại lựa chọn cho mình một biểu tượng, một hình ảnh khác nhau làm linh vật để từ đó làm nổi bật bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đất nước mình với bạn bè quốc tế. Có thể nói, việc lựa chọn linh vật (Mascot) là một việc vô cùng quan trọng trước khi kỳ SEA Games diễn ra.
Trong kỳ SEA Games 22 năm 2003, Việt Nam lần đầu tiên vinh dự trở thành nước chủ nhà tổ chức một sự kiện thể thao lớn mang tầm cỡ khu vực. Theo yêu cầu, linh vật (Mascot) được chọn luôn phải là một biểu tượng vui vẻ, thể hiện rõ những nét văn hóa đặc trưng của địa điểm đăng cai tổ chức SEA Games và tính chất của thể thao trong thời đại đó. Và Trâu Vàng đã được lựa chọn là linh vật của Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 22.
Trâu là con vật gắn liền với nền văn minh lúa nước ở Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung. Ban Tổ chức SEA Games 22 đã thuyết minh về linh vật Trâu Vàng như sau: "Biểu tượng vui của SEA Games 22 được đặt tên là Trâu Vàng. Với bản chất hiền lành, hoà đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trâu Vàng (còn gọi là Kim Ngưu) gắn với sự tích Hồ Tây của Thủ đô Hà Nội. Trâu Vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt". Chiếc khố màu đỏ tượng trưng cho trang phục truyền thống thời dựng nước của Việt Nam.
So với nguyên mẫu dự thi, hình tượng Trâu Vàng (Kim Ngưu) được phê duyệt đã qua khoảng 4 lần góp ý sửa chữa, hoàn thiện một số chi tiết, đặc biệt là về hình họa. Theo BTC SEA Games, Trâu Vàng thoả mãn các tiêu chí: Con trâu gắn với nền văn minh lúa nước vốn rất phổ biến ở Đông Nam Á. Nó cũng gần gũi, mềm mại và dễ thể hiện hơn hình tượng rồng (vốn giàu chất điêu khắc hơn hình họa), nhất là khi đưa vào các môn thể thao cụ thể.
Bên cạnh đó, Chim Lạc đã được lựa chọn làm biểu trưng của SEA Games 22. Đây hình ảnh thường thấy trên các mặt trống đồng Đông Sơn được cách điệu qua ba màu sắc: xanh dương tượng trưng cho các môn bơi lội, xanh lá cây tượng trưng cho các môn điền kinh và đỏ thể hiện tinh thần chiến thắng.
Trên một chừng mực nào đó, có thể khẳng định SEA Games 22 đã làm thay đổi cơ bản diện mạo và vị thế của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực. Trong thời gian diễn ra SEA Games (từ 5/12-13/12/2003), Việt Nam đã tận dụng được mọi lợi thế của nước chủ nhà không chỉ nhằm mục đích vươn lên trên bảng thành tích, mà đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, thành tựu nổi bật trên mọi lĩnh vực với bạn bè quốc tế.
Điều đặc biệt, Đại hội lần này có thêm quốc gia mới tách ra từ Indonesia là Đông Timor; và Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên dẫn đầu toàn đoàn. Lần đầu tiên, Việt Nam chiếm vị trí số 1 của bảng tổng sắp huy chương SEA Games với 158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ, bỏ rất xa đoàn thứ nhì là Thái Lan (thế lực số 1 lâu nay của thể thao ĐNA với chỉ 89 HCV).
…Đến Sao la – Linh vật SEA Games 31
Theo kế hoạch, sau SEA Games 30 tại Philippines, SEA Games lần thứ 31 năm 2021 sẽ do Campuchia đăng cai tổ chức và Việt Nam sẽ là năm 2023. Tuy nhiên, do chưa có đủ điều kiện nên Campuchia đã đề nghị và được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á chấp thuận cho đăng cai tổ chức SEA Games vào năm 2023. Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cũng đề nghị Việt Nam tổ chức năm 2021.
Tác phẩm Sao la của họa sĩ Ngô Xuân Khôi được lựa chọn là linh vật của SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam. Theo công bố của Tổng cục Thể dục Thể thao vào ngày 19/11/2020, tác phẩm Sao la được lựa chọn vì đáp ứng các tiêu chí như bố cục, thẩm mỹ và ý nghĩa.
Trước đó, khi thuyết trình về biểu tượng này, đại diện Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết: Sao la - loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất trên thế giới. Đây là loài đặc hữu của núi rừng Trường Sơn, chúng chỉ được tìm thấy tại các vùng rừng núi hoang sơ thuộc Trung Trường Sơn Việt Nam và Nam Lào, gần khu vực rừng đầu nguồn của các con sông nơi có nhiều ghềnh đá và vách núi.
Tên Sao la được phiên âm ra từ tiếng Thái và tiếng Lào, có nghĩa là “cặp sừng thẳng vút”, trên khuôn mặt Sao la có các đốm trắng như những ngôi sao thể hiện sự sáng toả trong rừng thẳm, hy vọng của sự tồn tại của một khu rừng đa dạng và nguyên sinh.
Với vẻ đẹp kiêu hãnh, sự bí ẩn và cổ đại, Sao la được mệnh danh là "Kỳ lân châu Á". Đặc điểm nổi bật của loài này là các đốm trắng trên mặt và một cặp sừng rất đặc biệt mà cả con đực và con cái đều có. Cặp sừng của Sao la thẳng, thuôn dài, tạo thành hình chữ V – là biểu tượng chiến thắng (Victory) và đại diện cho chữ Việt Nam. Do đó, ngoài vẻ đẹp thuần khiết và bí ẩn, Sao la còn có thể coi là một biểu tượng cho tinh thần chiến thắng và đại diện cho quốc gia.