Hướng đến việc suy tôn hình ảnh Tòa án là biểu tượng của công lý

Luật sư Phan Trung Hoài| 12/09/2019 14:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật sư cùng với các chủ thể khác đều cùng mong muốn và hướng đến việc suy tôn hình ảnh Tòa án là biểu tượng của công lý, nơi người dân có thể tiếp cận và yêu cầu phán xử một cách công bằng, minh bạch, khách quan và dựa trên cơ sở pháp luật.

Ấn tượng tốt đẹp về ngành Tòa án

Đã 74 năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33C/SL ngày 13/9/1945 thiết lập các Tòa án quân sự, có thể khẳng định chưa bao giờ, vị trí, vai trò, tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án dành được sự quan tâm rất lớn của người dân và các chủ thể xã hội như hiện nay. Có dịp nghiên cứu lịch sử ngành tư pháp, trong đó có nghề luật sư ở Việt Nam, trong tôi đọng lại hình ảnh của ông Phạm Văn Bạch - vị Chánh án TANDTC đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; Luật sư Trần Công Tường giữ chức quyền Chánh án TANDTC thời kỳ 1958-1959, cùng những tấm gương tiêu biểu như các luật sư: Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Hữu Thọ... đã đóng góp không nhỏ, kể cả xương máu, trí lực và sự tận hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.

Trong quá trình hành nghề luật đã hơn 38 năm, với tròn 30 năm hành nghề luật sư chuyên nghiệp, tôi thật sự biết ơn và lòng tràn ngập tình cảm, sự tôn trọng, luôn lưu giữ hình ảnh đáng kính của các vị Chánh án TANDTC tiền nhiệm và đương nhiệm như các bác Phạm Hưng, Trịnh Hồng Dương, các anh Nguyễn Văn Hiện, Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình… mà tôi có dịp được gặp và trao đổi trực tiếp về các vấn đề chuyên môn, nghề nghiệp luật sư. Điều quan trọng nhất mà tôi được học tập, chia sẻ là nhân cách, tư tưởng và hành động của những người đứng đầu ngành Tòa án về việc đề cao vị trí, vai trò của đội ngũ luật sư như một thành tố vô cùng cần thiết cho việc bảo đảm tiến trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng, bảo vệ công lý, góp phần trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Hướng đến việc suy tôn hình ảnh Tòa án là biểu tượng của công lý

 Luật sư Phan Trung Hoài tại phiên họp thứ 6 Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) ngày 8/10/2014

Có thể nói, nghề luật sư, hoạt động luật sư đang có được vị thế, môi trường pháp lý và cơ chế hoạt động thuận lợi, nhưng cũng đứng trước những thách thức và cơ hội rất lớn. Trong nhiều Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc, đặc biệt là Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã tạo ra diện mạo mới với những kết quả hết sức tích cực, tác động rất lớn đến tổ chức và hoạt động của đội ngũ luật sư. Từ Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp 2013, Luật Luật sư, các Bộ luật Tố tụng hình sự và dân sự, các Luật và văn bản pháp quy đã quy định quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa là một trong những quyền tự do cơ bản của con người, đặt vị trí luật sư là chủ thể thực hiện chức năng bào chữa, cùng với chức năng buộc tội và chức năng xét xử tạo thành chiếc kiềng ba chân nâng đỡ nền tư pháp nước nhà.

Trong quá trình hoàn thiện thể chế và pháp điển hóa hoạt động xét xử, Hiến pháp 2013 đã khẳng định: TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự cũng đã ghi nhận nhiều nguyên tắc mới, tiến bộ như nguyên tắc suy đoán vô tội; bảo đảm quyền tự bào chữa và bào chữa, đương sự; tranh tụng trong xét xử được bảo đảm... Đây là thành quả to lớn trong sự phát triển vị thế không chỉ của ngành Tòa án mà còn giúp cho tổ chức và đội ngũ luật sư có được môi trường pháp lý thuận lợi trong hoạt động nghề nghiệp cao quý của mình.

Nhìn từ góc độ cá nhân, điều tôi cảm nhận được trong những năm qua, một trong những thành quả rất lớn, được người dân, xã hội ghi nhận đối với hoạt động của ngành Tòa án là tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về hệ thống, đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp như tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW.

“Đơm hoa kết trái” sau 10 năm nhìn lại

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Đoàn Luật sư, trong 10 năm qua, đội ngũ luật sư Việt Nam đã tham gia bào chữa 133.317 vụ án hình sự; tham gia bảo vệ quyền lợi cho 114.128 vụ việc dân sự, 51.589 vụ việc trong lĩnh vực kinh tế - kinh doanh thương mại, 8.801 vụ án hành chính, 2.552 vụ án lao động, hôn nhân gia đình…

Trong những năm gần đây, dư luận xã hội, người dân rất quan tâm đối với hoạt động xét xử của ngành Tòa án. Cùng với chủ trương và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngành Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử với số lượng đặc biệt lớn các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, trong đó có sự tham gia tích cực của đội ngũ luật sư. Kết quả tích cực cần được ghi nhận không chỉ là sự đổi mới cách bố trí phòng xử án, trong đó vị trí ngồi của luật sư ngang bằng với kiểm sát viên, mà tại nhiều phiên tòa, các Thẩm phán, Hội đồng xét xử, các kiểm sát viên đã thể hiện sự tôn trọng, tạo điều kiện cho các luật sư thực hiện chức phận nghề nghiệp của mình, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự. Tại rất nhiều phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa đã điều hành, tạo thuận lợi để các kiểm sát viên và luật sư tranh luận, đối đáp không bị hạn chế thời gian, thậm chí có phiên tranh tụng kéo dài nhiều tuần, có buổi đến 21- 22 giờ đêm.

Hướng đến việc suy tôn hình ảnh Tòa án là biểu tượng của công lý

Luật sư Phan Trung Hoài thuyết trình về những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động hành nghề luật sư và kiến nghị xây dựng Chương V mới về bào chữa trong BLTTHS 2015 tại phiên họp của các đại biểu chuyên trách Quốc hội Khóa XIII

Có thể khẳng định, không có sự tham gia của các luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thì không thể có một tiến trình tố tụng dân chủ, các quyền con người sẽ không được tôn trọng và Tòa án không thể hình thành các bản án, quyết định nếu không xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động tham gia tố tụng của luật sư tại các phiên tòa cũng còn một số hạn chế, ảnh hưởng đến việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mà nguyên nhân chủ yếu nằm trong nhận thức của một số người tiến hành tố tụng và một phần nằm trong ứng xử nghề nghiệp của một số luật sư.

Một số vụ án bị kéo dài, có vụ tới hàng chục năm, trải qua nhiều giai đoạn, nhiều cấp xét xử, có nhiều vụ có dấu hiệu oan sai, tổn hao không chỉ chi phí tố tụng mà cả nguồn lực của người dân, doanh nghiệp, cũng như vấn đề xây dựng văn hóa pháp đình, quan hệ ứng xử giữa các bên tiến hành và tham gia tố tụng cũng đang được đặt ra một cách cấp thiết.

Chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, mà trọng tâm là cải cách tư pháp hình sự, trong đó khâu đột phá là nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử thực sự đã “đơm hoa kết trái” trong đời sống tư pháp, là một trong những thành quả vô cùng to lớn trong hoạt động của ngành Tòa án. Đến lượt mình, hoạt động luật sư cùng với các chủ thể khác đều cùng mong muốn và hướng đến việc suy tôn hình ảnh Tòa án là biểu tượng của công lý, nơi người dân có thể tiếp cận và yêu cầu phán xử một cách công bằng, minh bạch, khách quan và dựa trên cơ sở pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến việc suy tôn hình ảnh Tòa án là biểu tượng của công lý