Hướng dẫn thủ tục, thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong một số vụ án dân sự cụ thể

Việt An| 06/01/2023 07:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một số vướng mắc trong các trường hợp như vụ án yêu cầu chia thừa kế tài sản; phiên tòa dân sự sơ thẩm đang diễn ra không có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp; có quyết định hủy bán án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, cấp phúc thẩm có quyền sửa phần án phí sơ thẩm hay không đã được Hội đồng Thẩn phán TANDTC giải đáp, hướng dẫn cụ thể.

TANDTC vừa có văn bản gửi các TAND, Tòa án quân sự và các đơn vị thuộc TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.

Nội dung văn bản số 206/TANDTC-PC cho biết, ngày 28/3/2022, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính và công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trên cơ sở các vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, TANDTC thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử liên quan đến các vụ án dân sự, tố tụng dân sự. Dưới đây là số trường hợp cụ thể.

Trong vụ án yêu cầu chia thừa kế tài sản, Tòa án có thụ lý yêu cầu độc lập của ông A và xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu đòi tài sản là 50m2 đất nằm trong diện tích đất yêu cầu chia thừa kế. Như vậy, Tòa án có giải quyết trong cùng vụ án hay phải tách ra giải quyết yêu cầu đòi tài sản trước sau đó mới có căn cứ chia thừa kế sau?

Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

1. Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

2.Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nêu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật

Quan hệ tranh chấp yêu cầu chia thừa kế tài sản và tranh chấp đòi quyền sử dụng đất là hai quan hệ pháp luật khác nhau nhưng có liên quan đến nhau trong cùng vụ án. Việc giải quyết quan hệ tranh chấp đòi tài sản là căn cứ để Tòa án xác định di sản thừa kế khi giải quyết yêu cầu chia thừa kế tài sản.

Do vậy, để giải quyết chính xác, nhanh chóng và đúng pháp luật; trên cơ sở chứng cứ thu thập được và yêu cầu của đương sự thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án có thể giải quyết trong cùng một vụ án hoặc tách thành hai vụ án riêng biệt.

Trường hợp phiên tòa dân sự sơ thẩm đang diễn ra không có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp. Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mới có đủ căn cử giải quyết vụ án. Sau khi Tòa án tiến hành xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ thì vụ án thuộc trường hợp phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật tổ tụng dân sự năm 2015, cụ thể: “Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc...”. Trong trường hợp này, Tòa án phải thực hiện các thủ tục gì để đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa và phiên tòa có phải bắt đầu lại từ đầu không hay vẫn tiếp tục của phiên tòa đã tạm ngừng trước đó?

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi: '‘Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa".

Hướng dẫn thủ tục, thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong một số vụ án dân sự cụ thể

Một phiên tòa xét xử vụ án dân sự tại TAND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh minh họa

Khoản 2 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa ".

Trong trường hợp này, khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa và lý do để tạm ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa. Để đảm bảo chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng của Viện kiểm sát thì khi tiếp tục tiến hành phiên tòa, Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa để gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn 15 ngày và Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút đơn khởi kiện, bị đơn chấp nhận việc rút đơn khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thấm và đình chỉ giải quyết vụ án, nhưng cấp phúc thấm thấy phần án phí của bản án sơ thẩm là sai. Vậy, tại Quyết định hủy bán án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, cấp phúc thẩm có quyền sửa phần án phí sơ thẩm hay không?

Điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm như sau:

“Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện án phí trong bản án sơ thẩm bị sai thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ tuyên án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm trong quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Còn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng dẫn thủ tục, thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong một số vụ án dân sự cụ thể