Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (Emerging Markets Index - EMI) do ngân hàng HSBC công bố tiếp tục tăng rất nhẹ về sản lượng ở khắp các thị trường mới nổi trên toàn cầu trong tháng 4.
Cụ thể, chỉ số EMI đạt 50.4 điểm từ mức 50.3 điểm trong tháng 3 – thấp hơn mức trung bình dài hạn 53.9 điểm trong gần 9 năm khảo sát chỉ số này.
Theo HSBC, số liệu tháng 4 cho thấy sản lượng ở cả bốn thị trường mới nổi lớn nhất đều giảm. Các hoạt động kinh doanh tổng thể ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều giảm nhẹ tháng thứ ba liên tiếp – khoảng thời gian sụt dài nhất trong vòng năm năm qua.
Trong khi đó, sản lượng lĩnh vực tư nhân ở Nga cũng giảm tốc nhanh nhất kể từ tháng 5/2009. Các hoạt động kinh doanh của Ấn Độ cũng giảm lần thứ chín trong mười tháng qua mặc dù rất nhẹ, trong khi Brazil lại tiếp tục giảm nhẹ lần thứ hai trong vòng bốn tháng qua.
Trong tháng 4, sản lượng sản xuất ở các thị trường mới nổi đều trì trệ trong khi tăng trưởng hoạt động của khối dịch vụ vẫn không thay đổi như mức yếu của tháng 3. Số lượng đơn hàng mới của cả hai lĩnh vực đều tăng rất ít từ mức thấp của tám tháng qua mà tháng 3 đã ghi nhận. Số lượng công việc tồn đọng chưa được thực hiện giảm tháng thứ tư liên tiếp trong khi tình hình việc làm có cắt giảm nhẹ.
Áp lực về giá cả vẫn còn khá nhẹ trong tháng 4 khi giá cả hàng hoá đầu vào trung bình tăng chậm nhất kể từ tháng 6.2013. Giá đầu vào của ngành sản xuất Trung Quốc, Hàn Quốc, Ba Lan tiếp tục giảm trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục có mức tăng giá mạnh nhất.
Ông Chris Williamson, một chuyên gia Kinh tế của Markit nhận định: “Số liệu EMI tháng 4 cho thấy các hoạt động kinh doanh đang nằm gần ngưỡng trì trệ ở các thị trường mới nổi trong hai tháng liên tiếp. Tình trạng bất ổn dường như đã bắt đầu; các doanh nghiệp chắc chắn không kỳ vọng sẽ có thể xuất hiện một sự gia tăng nào, họ cho rằng thực tế từ nay đến cuối năm tình hình sẽ còn giảm sút thêm.”
Bên cạnh đó, số liệu khảo sát yếu đã làm gia tăng nỗi sợ hãi rằng tình hình trì trệ của các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục là nhân tố làm nản chí tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những tháng tới. Điều đáng lo ngại là bức tranh kinh tế suy tàn cũng sẽ bao trùm lên cả châu Á, Nam Mỹ và châu Phi. Tuy nhiên vẫn còn một vài điểm sáng với tăng trưởng tiếp tục mạnh ở khu vực Trung Đông và tốc độ tăng trưởng nhanh ở Đông Âu nhờ vào sự phục hồi kinh tế ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu, ông Chris Williamson nói thêm.
Đức Phương