Bất động sản

HoREA kiến nghị gia hạn Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu bất động sản

Trang Nhi 04/01/2024 - 08:53

HoREA kiến nghị gia hạn Nghị quyết về xử lý nợ xấu bất động sản do lo ngại khoảng trống pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

no-xau-bds.jpg
HoREA kiến nghị gia hạn Nghị quyết về xử lý nợ xấu bất động sản do lo ngại khoảng trống pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.

Theo HoREA, điều 10 Nghị quyết 42 nêu rõ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Cụ thể dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, phía nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.

HoREA cho rằng, quy định trên đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu trong giai đoạn từ năm 2017 cho đến nay, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động, nhưng Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023.

Theo HoREA, khoản 3 Điều 39 và khoản 3 Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023 đã luật hóa một phần nội dung Điều 10 Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, tại khoản 3 Điều 39 Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định, sau khi đã hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, bên nhận chuyển nhượng kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư chuyển nhượng và là chủ đầu tư đối với dự án, phần dự án đã nhận chuyển nhượng.

Tuy nhiên, HoREA cũng chỉ ra rằng, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sau 1 năm nữa mới có hiệu lực (kể từ ngày 1/1/2025), vì thế trong khoảng thời gian năm 2024 sẽ phát sinh khoảng trống pháp lý, bởi Nghị quyết 42 thì đã hết hiệu lực.

Chính vì vậy, HoREA đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội xem xét gia hạn Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 thêm 12 tháng đến hết ngày 31/12/2024. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HoREA kiến nghị gia hạn Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu bất động sản