Để tiếp cận thị trường thế giới thông qua trang Amazon.com, doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều việc cần phải làm.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Amazon là công ty lớn nhất về thương mại điện tử, chiếm thị phần lớn nhất trên thế giới.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông qua nhu cầu của các doanh nghiệp và xét đến nhu cầu của chúng ta cần tận dụng thương mại điện tử để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hoá cũng như quảng bá thương hiệu của mình trên các trang thương mại điện tử như Amazon, Bộ Công Thương có phối hợp với Amazon Global Selling và đã ký một hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và đơn vị này.
Ảnh minh họa
Lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin, ngày 14/1 vừa qua, hai bên đã ký kết và có một số nội dung chính. Thứ nhất là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới thông qua trang Amazon.com. Thứ hai, để phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử của Amazon.com. Thứ ba, Amazon sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo các kỹ năng về kinh doanh quốc tế và kỹ năng về thương mại điện tử khi giới thiệu sản phẩm của mình trên Amazon.com. Một điểm nữa là để hỗ trợ cho các cán bộ, trước hết của Cục Xúc tiến thương mại và những người làm xúc tiến thương mại trên toàn quốc, về các kỹ năng xúc tiến thương mại nói chung, trong đó có phát triển thương mại điện tử.
“Chúng tôi đánh giá đây là một trong những nét mới của công tác xúc tiến thương mại. Đây cũng là biện pháp hết sức hữu hiệu thông qua một doanh nghiệp rất lớn và mang lại hiệu quả rất cao cho các doanh nghiệp Việt Nam với một chi phí rất hợp lý”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Đươc biết, sau ngày 14/1 ký kết biên bản hợp tác giữa hai bên, Cục Xúc tiến thương mại đã kết hợp với Amazon tổ chức các hội thảo tại TPHCM, Hà Nội và một số địa phương để giới thiệu các chương trình này. Thông qua đó các chuyên gia của Amazon trên toàn cầu đã giới thiệu cho doanh nghiệp Việt Nam các kỹ năng, cách thức tiếp cận và giới thiệu hàng hoá của mình.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đặc biệt lưu ý, trong thời gian tới, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc rất quan trọng là phải cải tiến mẫu mã của các sản phẩm để phù hợp với các thị trường, thị hiếu khác nhau trên địa bàn toàn cầu.
“Chúng tôi sẽ phối hợp tích cực với Amazon để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam. Nếu doanh nghiệp cần tiếp cận, ngoài các buổi hội thảo vừa qua và nhiều hội thảo được tổ chức sắp tới, các doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương cũng như các Sở Công Thương trên địa bàn toàn quốc”, Thứ trưởng khẳng định.
Trước đó, ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á đánh giá, Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, giày da, thủ công,... là những mặt hàng có thể bán rất tốt trên Amazon. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á để xuất khẩu hàng hóa qua Amazon. Theo đó, Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu trên trang Amazon.
Không chỉ với Amazon, hiện Bộ Công Thương đã thông qua việc đưa hàng hoá của Việt Nam vào các kênh phân phối của các nhà phân phối lớn trên toàn thế giới hiện đã có sự hợp tác ở Việt Nam. Như trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ sang Nhật Bản, Thủ tướng hai nước đã chứng kiến việc ký hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Aeon của Nhật Bản. Tập đoàn này đã cam kết đến năm 2020 sẽ tiêu thụ 500 triệu USD/năm hàng của Việt Nam tại hệ thống của họ ở Nhật Bản cũng như trên thế giới. Đến 2025, Aeon cam kết sẽ tiêu thụ 1 tỷ USD/năm.
“Đây là điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi đang phối hợp với các chuyên gia Aeon lựa chọn các mặt hàng Việt Nam để đưa vào hệ thống phân phối của họ. Đây là việc có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu với chi phí hợp lý”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.