Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã tuyên bố nội dung trên trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Channel News Asia (CNA), một kênh tin tức truyền hình trả tiền Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore, vào ngày 6/10.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi
Cụ thể, khi được hỏi liệu việc hợp tác phát triển vaccine ngừa COVID-19 đang diễn ra với Trung Quốc có tác động đến lập trường của Indonesia trong vấn đề Biển Đông hay không, bà Marsudi đã trả lời: “Tôi có thể trả lời chắc chắn, chắc chắn nhất có thể. Không. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau”.
Bà Marsudi cũng nhấn mạnh, việc hợp tác phát triển vaccine ngừa COVID-19 giữa Trung Quốc và Indonesia “không phải là phải là hợp tác không bình đẳng, chỉ mang lại lợi ích cho một bên, mà trong trường hợp này là Indonesia”.
“Các công ty Trung Quốc và phía Trung Quốc cũng được hưởng thành quả hoặc lợi ích của sự hợp tác này. Đó là lợi ích hai chiều”, Ngoại trưởng Marsudi trả lời CNA trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Trước đó, Indonesia đã kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Indonesia khẳng định, “đường chín đoạn” của Trung Quốc là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm UNCLOS 1982 thông qua công hàm gửi lên Liên hợp quốc ngày 25/6.
Indonesia kêu gọi các quốc gia tuân thủ theo UNCLOS 1982 và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về xung đột chủ quyền. Hành động này của Indonesia thể hiện chính sách nhất quán của quốc gia vạn đảo đối với vấn đề Biển Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia bày tỏ lập trường về vấn đề Biển Đông. Năm 2010, Indonesia cũng đã gửi một công hàm tương tự lên Liên hợp quốc.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện đang tham gia thử nghiệm giai đoạn cuối trên người đối với vaccine ngừa COVID-19 Sinovac Biotech COVID-19 của Trung Quốc.
Quốc gia này cũng đã làm việc với công ty khác của Trung Quốc, Sinopharm, để đảm bảo 260 triệu người dân Indonesia được tiêm chủng.