Sáng nay (18/12), Văn phòng Chủ tịch nước họp báo, công bố các lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật, 2 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn công bố Lệnh của Chủ tịch nước
9 luật được công bố sáng nay gồm: Luật An toàn thông tin mạng, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Thống kê, Luật Khí tượng thủy văn, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Kế toán, Luật Phí và Lệ phí, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Quân nhân chuyên nghiệp công nhân và viên chức quốc phòng.
2 nghị quyết gồm: Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội, Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới.
Trong đó có một số Luật và Nghị quyết công bố đã thu hút sự chú ý của các đại biểu
Công dân có thể tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn trình bày một trong hai nghị quyết tại buổi công bố là Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội cho biết: "Điểm nổi bật của Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội là bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ ngay sau khi được bầu đối với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC".
So với Nội quy năm 2002, Nội quy mới quy định cụ thể thời điểm khai mạc các kỳ họp thường lệ của Quốc hội khai mạc kỳ họp đầu năm vào ngày 20/5, kỳ họp cuối năm vào ngày 20/10, nếu trùng vào thứ sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo; sửa đổi quy định hiện hành về việc công dân có thể tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội và do Tổng thư ký Quốc hội tổ chức để bảo đảm quyền tham dự của công dân và trật tự của kỳ họp.
Nội quy bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Sẽ có nghị định quy định các chế tài cụ thể đối với các hành vi bị cấm
Trình bày nội dung cơ bản của Luật Kế toán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Luật bổ sung các hành vi bị cấm như lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán. Quy định bổ sung này nhằm đảm bảo bao hàm được tất cả các hành vi gian lận, sai phạm trong quá trình thực hiện luật, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm.
Với 6 Chương 74 Điều, Luật Kế toán quy định về nguyên tắc kế toán; chứng từ kế toán điện tử, sổ kế toán trên phương tiện điện tử; tài khoản kế toán; báo cáo tài chính nhà nước; kiểm tra kế toán; kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ; kinh doanh dịch vụ kế toán; tổ chức nghề nghiệp kế toán; quản lý nhà nước về kế toán; trách nhiệm của người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán và kế toán trưởng; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán và các hành vi bị cấm.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Riêng đối với báo cáo tài chính nhà nước, Luật quy định Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu việc lập báo cáo tài chính nhà nước chậm nhất là 24 tháng, kể từ ngày Luật có hiệu lực.
Đối với việc sử dụng chế tài để sử lý các hành vi bị cấm Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thêm, Bộ Tài chính sẽ có Nghị định quy định cụ thể nhằm xứ lý, xử phạt các hành vi vi phạm.
Luật Kế toán có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017
Đảm bảo chính sách phí, lệ phí công khai minh bạch
Trình bày đồng thời đối với Luật phí và lệ phí, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, sau 13 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh phí và lệ phí đã không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành, đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí, viện phí; một số khoản phí, lệ phí cũng không còn phù hợp cần rà soát, bãi bỏ… Vì thế, việc ban hành Luật phí và lệ phí sẽ khắc phục tồn tại của pháp luật phí, lệ phí hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày nội dung cơ bản của Luật Kế toán và Luật phí và lệ phí tại buổi công bố luật sáng nay 18/12
Luật gồm 6 Chương, 25 Điều, quy định nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm phí, lệ phí; kê khai, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí; quyền, trách nhiệm của tổ chức thu và người nộp phí, lệ phí cũng như thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về quản lý phí và lệ phí. Theo đó, Điều 8 của Luật quy định mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch va bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo quản lý thống nhất nguồn thu từ phí, lệ phí; đồng bộ với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Điều 10 Luật phí và lệ phí quy định: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoản chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Luật phí và lệ phí sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017.
Trưng cầu ý dân thể hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Luật gia VN Lê Minh Tâm, Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định đối tượng trưng cầu ý dân là các cử tri và trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu và có hiệu lực kể từ ngày công bố. UBTVQH được giao ra nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân và phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân; trường hợp bỏ phiếu lại thì thời hạn công bố kết quả trưng cầu ý dân chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu lại.
Các vấn đề trưng cầu ý dân là toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về KT-XH có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Trưng cầu ý dân được tổ chức thực hiện trong phạm vi cả nước vì những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định.
UBTVQH, Chủ tịch Nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH có quyền đề nghị QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân. Luật Trưng cầu ý dân cũng quy định, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp phải được 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân
Về Luật An toàn thông tin mạng, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, Luật An toàn thông tin mạng dành một chương về bảo đảm an toàn thông tin mạng gồm bảo vệ thông tin mạng; bảo vệ thông tin cá nhân với quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; bảo vệ hệ thống thông tin và ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng để khủng bố.
Thực tế, việc cung cấp dịch vụ an toàn thông tin như bán tường lửa, thiết bị giám sát, thiết bị phân tích chống mã độc, dịch vụ đánh giá an toàn thông tin… chưa được kiểm soát vì chưa có chuẩn. Do đó, Luật An toàn thông tin mạng quy định khắt khe đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, bán sản phẩm an toàn thông tin. “Chắc chắn sau khi có Luật việc cung cấp dịch vụ an toàn thông tin sẽ chất lượng hơn, đào thải được những doanh nghiệp nhỏ, manh mún, chất lượng kém”, đại diện Cục An toàn thông tin khẳng định.
Cũng theo đại diện Cục An toàn thông tin, hiện chưa có hệ thống thu thập thông tin cá nhân mà chủ yếu là do cá nhân tự khai báo khi tham gia các dịch vụ và chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là mua được thông tin cá nhân. Vì thế, Luật đã có quy định kiểm soát vấn đề này và có đường dây nóng để người dân phản ánh nếu có việc thu thập, phát tán thông tin cá nhân không đúng quy định. Các hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin truyền thông.
Ngoài ra, đại diện Cục An toàn thông tin cũng cho biết, thư rác chủ yếu là do các nhà mạng quản lý không tốt sim trả trước, Bộ đã có nhiều biện pháp đồng bộ và tới đây cùng với Luật An toàn thông tin mạng, Bộ sẽ sửa đổi Thông tư 04 để quản lý sim trả trước một cách chặt chẽ hơn.
Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực từ 1/7/2016.