Nằm ở phía tây nam Trung Quốc, đảo Rùa chỉ xuất hiện vào những tháng đầu năm và biến mất trong 9 tháng sau đó.
Mỗi độ xuân về, hàng nghìn du khách Trung Quốc lại tấp nập kéo đến bờ sông Ma Đao Khê, gần đập Tam Hiệp để chiêm ngưỡng sự xuất hiện của một hòn đảo có hình con rùa nổi lên mặt nước.
Nhìn từ xa, hòn đảo giống hình một chú rùa. Ảnh: IDCT.
Hòn đảo này thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách là nhờ sự tồn tại lạ lùng của nó: 9 tháng sẽ chìm sâu dưới nước và chỉ nổi lên 3 tháng mùa xuân. Người Trung Quốc gọi hiện tượng này là "Con rùa mùa xuân nổi lên mặt nước". Bên cạnh đó, rùa cũng được coi là một biểu tượng của sự tốt lành, trường thọ.
Nhiều người đã ví hiện tượng đảo nổi theo mùa này là phiên bản "biển tách đôi" của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu hiện tượng biển tách đôi ở xứ nhân sâm hoàn toàn do thiên nhiên ban tặng thì đảo Rùa lại là "phép thuật" con người tạo ra.
Khi mực nước lên cao, khoảng 175 m, đảo sẽ biến mất dưới làn nước. Ảnh: Oddi.
Theo lý giải của người dân bản địa, sự xuất hiện của hòn đảo phụ thuộc vào lượng nước trên sông. Mực nước này lại do đập Tam Hiệp quyết định. Vào mùa xuân, các hồ chứa cung cấp nước cho khu vực hạ lưu, làm mực nước trên sông giảm xuống. Khi mực nước nằm trong khoảng 163-168 m, đảo rùa sẽ nổi hoàn toàn. Vào 9 tháng còn lại, đảo nằm dưới mực nước hoặc chỉ nhô lên một phần rất nhỏ. Nhờ hiện tượng độc đáo này, mỗi năm, nơi đây thu hút hàng nghìn du khách ghé thăm.