Hơn 8 nghìn liệt sỹ chưa biết tên

Thọ Phúc (ghi)| 27/07/2015 07:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay vẫn còn hơn 8 nghìn trường hợp các liệt sỹ chưa có tên. Những trường hợp này đã và đang được lấy mẫu phẩm để phân tích nhằm xác định danh tính.

Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối ngày 26/7, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, những gia đình người có công và bản thân người có công lời tri ân và lòng biết ơn sâu sắc nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2015), đồng thời giải đáp nhiều băn khoăn của người dân về chính sách với người có công.

Hơn 8 nghìn liệt sỹ chưa biết tên

 Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Sớm xác định danh tính các liệt sỹ

Trước ý kiến của công dân về một trường hợp phần mộ liệt sỹ Vũ Đình Cường, ở Lạch Tray, (quận Lê Chân Hải Phòng) có giấy chứng tử, có bằng Tố quốc ghi công nhưng không có trong danh sách mộ liệt sỹ tại Cục Người có công. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, việc quản lý hồ sơ người có công trong đó có gia đình liệt sĩ là do Cục Người có công quản lý.

Về trường hợp của liệt sỹ Vũ Đình Cường, Bộ đã xem xét và được biết có 8 liệt sĩ tên là Vũ Đình Cường, trong 8 liệt sĩ đó có 1 liệt sĩ ở Nam Định, 2 liệt sĩ quê ở Hải Phòng trong đó có 1 liệt sĩ quê ở Lạch Tray, Hải Phòng. Vì vậy, gia đình nên đối chiếu lại với Cục Người có công khi có số bằng Tổ quốc ghi công cụ thể.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ LĐTB&XH chủ trì xây dựng một đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Đến nay, đã xác định có hơn 8.000 trường hợp các liệt sĩ chưa có tên.

Bộ đã triển khai lấy mẫu phẩm để cùng với 3 đơn vị là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Hàn lâm Khoa học và Công Nghệ Việt Nam phân tích gen của các mẫu phẩm.

Ngoài ra Bộ đã lấy trên 2.000 mẫu phẩm của thân nhân các liệt sĩ. Các mẫu phẩm của thân nhân, cũng như của các hài cốt các liệt sĩ đã được tiến hành phân tích. Đến nay, số xác định được danh tính mới là bước đầu và con số này chưa nhiều.

Liên quan đến nội dung của các cựu dân quân tập trung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở phường Phương Lâm, Hòa Bình phản ánh việc các dân quân vừa sản xuất vừa chiến đấu liên tục từ tháng 3/1963-1/1973 (có xác nhận của những lãnh đạo nguyên là chỉ huy). Tuy vậy, cán bộ trợ lý chính sách Ban Chỉ huy quân sự TP Hòa Bình lại yêu cầu họ chỉ kê khai áng chừng mỗi năm khoảng 4-5 tháng trực tiếp chiến đấu đánh máy bay Mỹ. Nếu không khai như vậy thì họ sẽ không được tiếp nhận hồ sơ để làm chế độ?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: “Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý Nhà nước triển khai xác lập hồ sơ, xem xét quyết định giải quyết. Do đó, khi đã có chính sách thì người tham gia bao nhiêu phải được hưởng bấy nhiêu”.

Sẽ xem xét hỗ trợ thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc da cam

Một công dân hỏi về trường hợp thế hệ nhiễm chất độc da cam chia sẻ: "Tôi sinh được 5 người con thì một người bị bệnh nặng mất ngay sau khi sinh. Còn người con thứ 3 lập gia đình, sinh ra 1 cháu đầu tiên không có ngón tay, rồi bị toàn thân mụn nước, sau 4 năm thì mất, 1 người cháu khác cũng bị mụn, phổng rộp toàn thân, da không bao giờ lành. Tôi đã làm thủ tục gửi ban chính sách xã 15 năm nhưng chưa được giải quyết chế độ. Liệu cháu tôi đã đủ điều kiện để làm chế độ người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và bị phơi nhiễm thế hệ thứ 3 hay chưa"?

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, chính sách đối với người tham gia kháng chiến mà bị chất độc da cam rất rõ: Thứ nhất, nếu bản thân ông tham gia và đi giám định nằm trong 17 bệnh mà ngành y tế quy định do ảnh hưởng của chất độc da cam thì sẽ được hưởng chính sách. Thứ hai, những trường hợp tham gia nhưng vô sinh cũng được hưởng và thứ ba, là người tham gia kháng chiến bị nhiễm sinh ra những người con trực tiếp đó cũng được hưởng.

Như trường hợp này là thế hệ thứ ba. Đến thời điểm này chưa có chính sách quy định rằng thế hệ thứ ba được hưởng đối tượng là nạn nhân chất độc da cam. Trên cơ sở lá đơn của công dân, chúng tôi sẽ báo cáo với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan chuyên môn xem xác định chất độc da cam có ảnh hưởng tới thế hệ thứ ba hay không. “Nếu ảnh hưởng, chắc chắn tới đây Đảng, Nhà nước sẽ xem xét mức độ để hỗ trợ”, Bộ trưởng Chuyền khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 8 nghìn liệt sỹ chưa biết tên