Mùa tuyển sinh 2017, thí sinh được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng, chính vì vậy hơn 40 trường đại học khu vực miền Bắc đã thành lập nhóm chung nhằm lọc hồ sơ “ảo” cũng như tạo thuận lợi hơn cho việc tuyển sinh của trường mình.
Chỉ có 1 thí sinh duy nhất đăng ký 48 nguyện vọng
Mới đây, các trường Đại học từ Hà Tĩnh trở ra đã họp và thành lập nhóm xét tuyển chung để xác định và thống nhất điểm chuẩn, sau đó sẽ chuyển danh sách lên Bộ GD-ĐT chạy phần mềm lọc "ảo".
Trấn an những lo lắng hồ sơ ảo của các trường miền Bắc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay: “Dù không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển, nhưng đa số thí sinh đăng ký 4 - 5 nguyện vọng, chỉ có 1 thí sinh duy nhất đăng ký 48 nguyện vọng. Cho nên các trường đừng quá lo lắng, không có gì khó khăn trong việc xét tuyển”.
Thứ Trưởng Ga cũng cho biết thêm: “Ngày 20/5, các trường nhận dữ liệu đăng ký nguyện vọng 1 từ Bộ GD-ĐT về để nghiên cứu”.
Để thuận lợi cho việc tuyển sinh các trường Đại học miền Bắc thành lập nhóm tuyển sinh. Ảnh HN.
Việc thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng cũng khiến cho các trường không khỏi lo lắng và gặp khó khăn như: các trường sẽ không biết được thí sinh trúng tuyển trường mình hay trường khác, không biết lấy điểm trúng tuyển bao nhiêu cho vừa chỉ tiêu. Vì thế, lập nhóm để xét tuyển sẽ giúp trường thuận lợi trong việc lọc "ảo" và lấy điểm tuyển sinh cũng như cân bằng chỉ tiêu cho trường mình.
Chia sẻ về những cách thức xét tuyển của nhóm trường miền Bắc, thầy Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì tuyển sinh của nhóm cho hay: “Thực hiện theo Quy chế tuyển sinh 2017 hoàn toàn phù hợp với phần mềm xét tuyển của nhóm GX đã sử dụng năm 2016. Khi các trường tham gia nhóm miền Bắc sẽ tiết kiệm được chi phí và nhân lực tuyển sinh. Đồng thời, được đội ngũ kỹ thuật của nhóm hỗ trợ; chủ động hơn trong việc xác định điểm chuẩn dự kiến và danh sách thí sinh trúng tuyển trước khi trình Bộ GD-ĐT”.
Thầy Sơn cũng khẳng định thêm: “Các trường tham gia trên tinh thần tự nguyện, cam kết tham gia bằng văn bản. Nhóm sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển và kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 do Bộ GD-ĐT cung cấp để xét tuyển đợt 1; sử dụng chung phần mềm xét tuyển do trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý, đồng thời áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh”.
Duy nhất có một thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng. Ảnh NC.
Nên chia thành từng tổ nhỏ để hoạt động cho hiệu quả
Chia sẻ về nguyên tắc xét tuyển theo nhóm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ GD-ĐT và nhóm không can thiệp vào việc xét điểm trúng tuyển của các trường. Trừ "ảo" bao nhiêu là do các trường tự xác định. Nhóm sẽ thống nhất thời gian làm việc chung, cố gắng từ 25 - 28/7 lọc "ảo" và chạy phần mềm xác định điểm trúng tuyển dự kiến”.
Lo lắng về thời gian quá gấp gáp, thầy Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho hay: “Trong thời gian 3 ngày vừa nghiên cứu, bàn bạc và chạy điểm chuẩn, trong khi số trường tham gia đông tôi hơi băn khoăn. Nên chia thành những nhóm nhỏ hơn theo kiểu cùng tổ hợp xét tuyển để thảo luận, quyết định điểm chuẩn dự kiến”, thầy Tú đưa ra ý kiến.
Thầy Trịnh Minh Thụ - Phó hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi lại đề nghị: “Chuẩn bị cơ sở hạ tầng để chạy điểm sao cho nhanh nên có quy định chốt điểm chuẩn để các trường thực hiện chặt chẽ”.
Trước những lo lắng của các trường tham gia lọc vào nhóm lọc “ảo” sẽ ảnh hưởng đến quyền tuyển sinh cũng như chỉ tiêu của tuyển sinh của trường đặt ra, thầy Sơn khẳng định: “Nguyên tắc xét tuyển là tạo điều kiện cho các trường tham gia và không làm ảnh hưởng đến quyền tuyển sinh của các trường”.