Ngày 23/9, tại TPHCM, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị khu vực phía Nam đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS sửa đổi).
Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo BLHS (sửa đổi), ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLHS (sửa đổi).
Đến nay, đã có ý kiến góp ý của 16 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 39 tỉnh/thành trực thuộc trung ương; 20 cơ quan, tổ chức và 15 cá nhân. Ước tính, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã được sự đóng góp, cho ý kiến của hơn 3 triệu lượt người, từ nhiều giai tầng, giai cấp khác nhau, trong đó có ý kiến trực tiếp của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, điều tra viên, kiểm soát viên, thẩm phán, luật sư và các chuyên gia trong nước và nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì hội nghị
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhìn nhận, về cơ bản Chính phủ đồng tình với ý kiến của nhân dân về các vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến, nhất là các vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa đủ tuổi vị thành niên phạm tội; bỏ hình phạt tử hình ở một số tội…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, việc lấy ý kiến của nhân dân các tỉnh/thành phía Nam - nơi có các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ là cơ sở để Bộ Tư pháp tổng hợp đầy đủ những ý kiến đa chiều, đa dạng, khách quan và tỉ mỉ trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi hoàn chỉnh dự thảo BLHS (sửa đổi).
Bà Phan Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ bày tỏ quan tâm đến quy định trong dự thảo về tội danh cho vay nặng lãi. Theo bà Giao, dù đây là giao dịch dân sự, nhưng nhiều vụ việc được báo chí nêu như xiết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi từ 2 người trở lên và gây hậu quả lớn cần phải xem xét vào các hành vi phạm pháp hình sự và cần có chế tài tăng nặng hình phạt so với luật hiện hành. Bà Giao cũng đề nghị gom các nhóm các hành vi vi phạm nổi cộm, gây nhức nhối dư luận trong những năm gần đây, như các vụ việc rải đinh, vật sắc nhọn, đổ hóa chất trên đường gây trơn trượt… vào nhóm tội “gây cản trở giao thông” và kèm theo đó là các chế tài, khung hình phạt có tính răn đe. Theo bà Giao, ngoài sửa đổi những luật cũ cho hoàn thiện thì đối với các vấn đề xã hội thời sự phát sinh cũng cần nghiên cứu để bổ sung chế tài luật cụ thể để theo kịp với thực tiễn, mà cụ thể là trong trường hợp góp ý nêu trê
Về vấn đề dự thảo luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, đồng thời, dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 194 của BLHS hiện hành…bà Hoàng Thị Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Bến Nghé (Quận 1, TPHCM) không đồng tình việc bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Bà Lợi lý giải: Thực tế Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy trong khu vực; những đợt vận chuyển hàng trăm bánh heroin mà cảnh sát bắt được là rất nghiêm trọng và tác hại rất lớn đến lớp trẻ. Việc khai nhận là có mua bán ma túy là rất khó và nếu bỏ án tử hình đối với loại tội phạm này thì sẽ bỏ lọt tội phạm. Trong một số vụ, những đối tượng vận chuyển ma túy rất manh động, dùng vũ khí chống trả các lực lượng, gây đổ máu để chạy trốn. Do đó, không nên bỏ án tử hình đối với loại tội phạm này.
Một phiên tòa hình sự
Ông Trịnh Văn Huy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Phước cho rằng dự thảo luật nên quy định lại độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (trong các độ tuổi 13-15 tuổi hay 15-17 tuổi?), bởi vì theo ông Huy, hiện nay trẻ em ngày càng phát triển về thể chất, trí tuệ. Biểu hiện rõ nhất là có rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên gây án nghiêm trọng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khung hình phạt hiện hành chưa đủ sức giáo dục, răn đe. Do đó, cần thiết dự thảo luật cần có điều chỉnh quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự nêu trên.
Ông Huy cũng đồng tình với ý kiến của vị đại diện MTTQ phường Bến Nghé khi cho rằng, không nên bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển, tàng trữ ma túy và nên giữ nguyên như BLHS năm 1999.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị, dự thảo BLHS (sửa đổi) cần khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ thương mại. Bởi hiện nay hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đang phát triển nhanh, cần rút ngắn khoảng cách giữa luật trong nước và luật quốc tế để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đồng thời bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của họ. Luật sư Hoài cũng góp ý loại bỏ trách nhiệm hình sự quy định đối với các rủi ro trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư, bởi vì hiện nay chưa có quy định rõ ràng.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến tại Hội nghị, trong đó cho biết việc sửa đổi, giải thích rõ về khái niệm “hành vi khác” sẽ được ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc để tránh oan sai hay bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng khẳng định, những góp ý xác đáng của các đại biểu là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo BLHS (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua.