Hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12,3 ngàn cơ sở GDMN độc lập được vay vốn

Ngô Chuyên| 30/04/2022 07:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo thông tin từ Bộ GDĐT sẽ có hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12,3 ngàn cơ sở GDMN độc lập được thụ hưởng chính sách này với tổng số vốn vay là 1.400 tỷ đồng.

Trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, giáo dục mầm non là cấp học chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các cơ sở GDMN ngoài công lập phải ngừng hoạt động trong thời gian dài, cơ sở vật chất bị xuống cấp, đồ dùng đồ chơi bị hư hỏng, nhưng không có kinh phí để tu sửa, mua sắm đồ dùng đồ chơi, không đủ nguồn lực và điều kiện để tiếp tục vận hành, duy trì hoạt động.

Dịch vụ GDMN ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ đứt gẫy, nhiều trẻ em mầm non không được đến trường.

mam-non-6-.jpg
Ảnh minh họa. NC.

Trước nguy cơ đó, theo đề nghị của Bộ GDĐT, ngày 27/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg).

Nhằm tháo gỡ khó khăn của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi 1.400 tỷ đồng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch để phục hồi hoạt động dạy và học sau đại dịch Covid-19.

Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg là văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Chính sách này hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bao gồm nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục); nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục;

Trường tiểu học tư thục (gọi chung là trường mầm non, tiểu học tư thục) phải dừng hoạt động ít nhất 01 theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua được vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất;

Mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động sau một thời gian dài ngừng hoạt động.

Theo Quyết định này, Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính để thực hiện vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay đối với mức vay đến 100 triệu đồng.

Đối với số tiền vay trên 100 triệu đồng, sẽ thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội. Mức lãi suất được áp dụng theo mức ưu đãi cao nhất đối với các tổ chức đang vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 3,3%/năm (tương đươn với 0,27%/tháng).

Mức vốn cho vay, tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục và tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non, tiểu học tư thục. Thời gian vay trong thời hạn 36 tháng.

Sẽ có hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12,3 ngàn cơ sở GDMN độc lập được thụ hưởng chính sách này. Tổng số vốn vay là 1.400 tỷ đồng.

Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có nhu cầu vay vốn, nộp hồ sơ tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đăng ký thành lập. Trong thời hạn 05 ngày đến 10 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phê duyệt cho vay.

Đây là chính sách rất cần thiết và kịp thời và hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở GDMN chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, giúp các cơ sở GDMN khôi phục hoạt động, thích ứng với tình hình dịch COVID-19, góp phần bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12,3 ngàn cơ sở GDMN độc lập được vay vốn